Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

TRANG ẢNH LỚP 12 C (2010 - 2011)






Đông về

Tiếng gió lẫn trong tiếng mưa

Ồn ào sao không dứt

Nghe như đánh thức

Giấc ngủ của mùa đông

Lê Thủy Ngân


Khoảnh khắc

Đông sang

bay và bay những chiếc lá

lạnh lẽo

bất chợt, âm u

mưa lặng lẽ rớt

mùa trong lòng vỡ tan

Bước đi, bước đi

mê cung, ngỡ ngàn

vầng trăng lung linh

buộc chặt, vô tình

tỉnh giấc

U mê

Nguyễn May Liêm


Khát vọng

Mười hai năm

thoắt trôi

phía trước em

khát vọng… ùa về

ánh đèn khuya

hi vọng mùa tương lai

Nguyễn Lê Minh Thùy


Trong mưa

Cô bé!

nhìn mưa rơi

Thích.

tự hỏi…

mùa về chưa,

nắng tàn

tiếc.

thầy về chưa

mái trường xưa

bài học chiều hôm

nhớ

hồn nhiên.

Phạm Thị Mỹ Hiệp


LÊN ĐỈNH ĐÁ BIA


Chinh phục đỉnh Đá Bia

Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 với chủ đề “Thiên đường du lịch biển, đảo” sẽ diễn ra tại Phú Yên và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và TP Đà Nẵng; liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, các thành phố lớn trong cả nước tổ chức tại nhiều thời điểm trong năm 2011. Theo kế hoạch, Bộ VH-TT-DL chỉ đạo phối hợp với các bộ, ngành tổ chức thì Giải leo núi quốc tế chinh phục đỉnh núi Đá Bia tại Phú Yên. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ-Phú Yên 2011. Hiện Tổng cục Thể thao- Du lịch đã phát hành điều lệ Giải Leo núi quốc tế chinh phục đỉnh Đá Bia.

Theo đó, giải diễn ra ngày 27/3/2011 tại khu vực núi Đá Bia. Có 15 đoàn trong nước đăng ký dự giải, từ các tỉnh, thành miền Trung-Tây Nguyên, Hà Nội và TP HCM. 4 đoàn nước ngoài đồng ý dự giải là: Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia. Mỗi đoàn gồm 6 VĐV (3 nữ, 3 nam), 1 HLV và 1 trưởng đoàn. Đây là hoạt động mở đầu cho các hoạt động tiếp theo như: Đêm giao lưu Văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc, Khai mạc Tháng Du lịch biển đảo Việt Nam, Festival Âm nhạc truyền thống các nước ASEAN…

Núi Đá Bia kỳ vĩ còn có tên gọi khác là Thạch Bi Sơn, nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên. Đỉnh núi cao 706m so với mặt nước biển, quanh năm mây che phủ, khí hậu mát mẻ, dễ chịu.

Hiện phía đông núi liền với hòn Bà sát biển, chân núi phía tây là quốc lộ 1A, phía bắc liền với núi Đông Sơn, chân núi phía nam giáp cảng Vũng Rô. Sườn núi Đá Bia dốc thẳng đứng, nhiều tảng đá to chồng chất lên nhau, cây cối um tùm. Hành trình leo núi dài khoảng 2,2km, qua những bậc tam cấp, những gộp đá dựng đứng, luồn qua những cánh rừng nguyên sinh, có đoạn núi lở phải trèo bám rất khó khăn, mất nhiều giờ. Dọc đường đi, du khách sẽ nhìn thấy cánh rừng nguyên sinh với những cây mìn lin cổ thụ, những tảng đá lớn bằng như chiếc phản, được nhìn những con trùng ngộ nghĩnh, những con cuốn chiếu khổng lồ, được ngắm những cây mìn lin cổ thụ. Trước khi đến đỉnh, du khách sẽ qua một cốc cổng trời dựng đứng với 280 bậc tam cấp. Từ đây, du khách có thể ngắm quan sát viên đại thạch nằm lồng lộng giữa trời xanh, từ đây du khách mặc sức phóng tầm mắt nhìn về biển đông trong xanh phẳng lì như chiếc gương, ngắm cả cả đồng lúa Tuy Hòa lớn nhất miền trung, ngắm đèo Cả uốn cung như dải lụa mền và những xóm làng nhỏ bé dọc theo cung biển hiền song song với quốc lộ 1A.

Lên đỉnh Đá Bia, ngoài mục đích tham quan du lịch, du khách sẽ được “thử tài” và kiểm nhận sức khỏe của mình với một hành trình leo núi suốt 3 giờ đồng hồ. Lên đỉnh Đá Bia, ta được về với núi rừng thiên nhiên đích thực, nghe lòng mình tỉnh tâm, thư thả, nhẹ nhàng, bỡi hơn đâu hết nơi đây có những điều mà trong cuộc sống đời thường ta không có được.

Bài, ảnh: Đào Tấn Trực

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

tin tức

Cáo lỗi quý bạn thân, lâu nay vì quá bận công việc nên tác giả không thể cập nhật thông tin, bài viết thường xuyên, hẹn gặp lại sau.

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

TẢN VĂN CỦA ĐÀO TẤN TRỰC

Buổi sáng ở ngoại ô Sài gòn

Hè, tôi lưu chân ở Sài Gòn một tháng. Sự hào phóng của đất và người trên hòn ngọc phương nam đã cho tôi nhiều kỉ niệm.
Tôi trọ nhà anh bạn trong con hẻm nhỏ trên đường Kha Vạn Cân. Nhà quay mặt ra sông Sài Gòn đục ngầu nhưng đêm về trở nên huyền ảo, thơ mộng bỡi ánh đèn đô thị phản ngược lập lòe mang chút cổ xưa giữa lòng thành phố hiện đại. Khu trọ ở sâu tận cùng con hẻm, có đến vài chục phòng, người khắp ba miền làm nhiều nghề như giám đốc, tiến sĩ, giáo viên, nhà báo, công nhân, thợ xây, giúp việc, giữ trẻ và hình như có cả gái điếm. Xung quanh khu nhà có một vạt đất trống nhiều cỏ tranh loang lỗ đan xen vài cây ăn quả cạnh vườn mai xuân không người chăm sóc. Cảnh giống nông thôn. Có lẽ, cả Sài Gòn chỉ còn chỗ này “giàu có” như thế.
Ban ngày, cả khu trọ nằm im thin thít. Người đi vắng. Họ đi làm và trở về nhà khi đêm đã khuya. Hình như cuộc sống đô thị cuốn hút con người theo vòng xoáy, hết giờ này đến ngày kia. Khu trọ chỉ rộn ràng lên được một lúc sáng sớm. Đó là bóng dáng anh giám đốc kia phơi áo quần cho vợ, chị vợ nọ hối chồng chở đi làm…và đôi lúc có cả tiếng cãi vã của đôi vợ chồng bên cạnh về chuyện tiền nong, công việc. Trong số những người chung xóm trọ, tôi nhớ nhất vợ chồng anh Khôi chị Thúy thợ xây, quê Long An.
Anh Khôi và Thúy xa quê lên Sài Gòn lúc 15 tuổi. Miền đất hứa đã cho mọi người nhiều cơ hội nhưng với anh Khôi chị Thúy đến giờ vẫn hoàn tay không. Lận đận kiếm cơm, thế mà anh chị vẫn tốt nghiệp cấp 3. Giấc mơ vào giảng đường của hai người không vượt được hoàn cảnh. Rồi duyên trời run rủi, anh chị thành đôi, thành người Sài Gòn gần mười năm nay. Ban ngày, hai vợ chồng đi xây, tối anh phải ra sông Sài Gòn thả cá, rà lươn để có thêm thu nhập. Những con cá lóc, con lươn anh mang về mập ú. Mỗi sáng, chị mang ra đầu con hẻm ngồi bán. Người tiêu dùng thích “của trời”, chị ngồi chưa được 20 phút, rổ lươn đã hết sạch.
Những ngày tôi vào, công trình anh đình công vì chưa có giấy phép xây dựng, ban ngày anh ở nhà. Anh đãi tôi món miệt vườn anh tự nấu. Tính xởi lởi của người miền nam ghi dấu ấn khá rõ trong từng lời ăn tiếng nói. Lịch sự nhưng không dè dặt kín đáo, lễ nghĩa nhưng không quy cách như người miệt ngoài. Cảnh vợ mua rượu, ngồi nói chuyện để chồng lai rai không lạ gì. Cuộc sống xoay với bao điều chưa nói hết giữa đô thị hiện đại mà vợ chồng anh vẫn vô tư thư thả giữa đời thường. Cả hai bây giờ dù chưa giàu có, không cội rễ nhưng với chừng ấy năm anh vẫn là người Sài Gòn trong cách nhìn của tôi. Tôi ngưỡng mộ vì họ giống những người tôi từng mến mộ: nghèo, khát sống và ước mơ. Khổ nỗi, niềm tin không vật nổi hiện thực, họ là những người tốt, mấy ai biết.
Ngoài sự hối hả tất bật của cuộc sống, phong cảnh buổi sáng ở ngoại ô Sài Gòn giống một miền quê đích thực. Vừa chợp mắt đã nghe tiếng con trùng thức giấc, tiếng khứu, tiếng chim chìa vôi hót vang, tiếng gió xạc xào trên những tán dừa trước hiên, cánh hoa mận rơi trước sân… Nắng lên, từng đôi chim sẻ vào tận sân nhặt sạn, nghe cửa động, chúng bay vù lên cây trứng cá rỉa lông, chuyền cành. Bên ngoài, bươm bướm chập chờn trên từng bông cỏ…Tất cả đều không như sự thật, chắc rằng sẽ lưu vào trí nhớ nếu ai thư thả hòa mình với cuộc sống.
Nếu như sự bức bối chật chội tốc độ nằm trong trung tâm thành phố thì bên này vòng cung sông Sài Gòn đã cho một miền đất nhiều cảnh đẹp. Ở đây có sông nước, nhà vườn, quán bình dân và còn cả những con người rộng lòng sau những giờ làm ăn mệt nhọc. Tôi sợ một ngày nào đó đô thị sẽ phình to, lấn át cả vùng ngoại ô Sài Gòn nên thơ hữu tình, nơi tôi đã từng đặt chân đến rồi đi.
Theo Báo Du Lịch TP. HCM
ĐTT

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2009

THƠ ĐÀO TẤN TRỰC

Thương ngườiquan họ
Tặng : Cao Nhật Quyên

Xuôi Nam một chuyến đò ngang
Gửi câu Quan họ lại ngàn dặm xa
Người về xứ biển quê ta
Bước qua quán Dốc xót xa lặng thầm

Quai thao nón lược tay cầm
Mấy năm khăn gói quê chồng mù khơi

Lạ người lạ đất lạ nơi
Nghĩ thương dáng mẹ xa xơi một mình…

Lần theo câu hát sân đình

Khi nghe đài nhắc quê mình hội Lim
Lỗi người Quan họ đi tìm
Bóng hình xưa đã khuất chìm phương Nam.

Lỡ thì
Gánh sen để trước sân chùa

Váy đụp bốn mùa chị bán chợ xa
Chiếu chèo vướng bận lời ca
Trai làng xuôi gió giờ ra thị thành
Cũng đường đất đỏ mong manh

Chị đi như thể vòng quanh đời mình
Đi chưa hết một cuộc tình
Một ngày quay lại nhận mình chân không
Lục bình nở phía bờ sông

Mùa xuân mấy độ qua không đợi mùa
Gánh sen để trước sân chùa
Chị vào xin cái lá bùa bình yên.

ĐTT

TRANG ẢNH LỚP 12C (2008 - 2009)



ÔNG THẦY CHÚC CÁC EM MAY MẮN VÀ THÀNH ĐẠT

























TÁC PHẨM HỌC SINH 12C


TRƯỚC MÙA CHIA TAY
Có một thời đi học để thương
Có thân thiết bạn, thầy xưa để nhớ
Có lỗi lầm ngu ngơ mắc cỡ
Có dại khờ để được lớn khôn thêm…

Tia nắng xuyên qua ô cửa êm đềm
Ánh mắt ai lung linh hoài kí ức
Trang lưu bút tím thơm mùi mực
Luôn nhắc mình…tên bạn cũ đừng quên

Lỗi ai đâu mà năm tháng bắt đền
Cho tiếng ve đẫm ướt mùa hoa phượng
Kỉ niệm dài như dòng sông hoài niệm
Rồi một ngày hoa nắng sẽ về đâu

Phượng vẫn cười trong nắng thơ ngây
Nhưng sao tôi nhói đau trong lòng ngực
Trường quen ơi…mai xa người có biết
Trước nhũng cơn mưa xin nhớ gọi nhau về.

Nguyễn Thị Mười, 12B4 (2008-2009)
THPT Lê Thành Phương, Tuy An, Phú Yên




KỈ NIỆM NHỎ

Bước chân qua ngôi trường thân thuộc
Nơi hàng dừa vẫn lặng đứng bên sân
Cây bàng già qua bao mùa thay lá
Đón hè về khi ve hát yêu thương

Cánh phượng ru ngàn hoa thay áo mới
Mãi trong tôi bao kỉ niệm êm đềm
Tuổi học trò sao hồn nhiên quá nhỉ!
Thư tình ai màu mực đó chưa phai

Đây lớp học đã một thời ghi nhớ
Bục giảng này thầy đã gọi tên tôi
Tôi sợ quá chân run bài chẳng nhớ
Để ai ngồi khẽ nhắc điểm chia hai

Lớp học đó… thân tình sao đi vội
Tuổi trăng tròn ấp ủ mộng thần tiên
Bạn cùng trường nhìn tôi đầy vụng dại
Vẫn lặng thầm rồi cứ mãi bâng khuâng.

Nguyễn Thị Hồng Thấm
12C(2008-2009) THPT Lê Thành Phương. Tuy An. Phú Yên.

THƠ PHAN HOÀNG KHÁNH


Nhớ Quê Mùa Mưa Lũ

Mấy hôm rồi quê mình mưa mãi không thôi
Chiều nay trên đài báo tin lại có bão
Rồi những hôm thức đêm sầu não
Thương quê mình nhưng chẳng biết thế nào.

Lũ bạn đồng hương mắt cứ đỏ hoe
Đã khuya rồi nhưng chẳng đứa nào muốn ngủ
Ngồi tụm lại mà hướng về đất cũ
Không biết bao giờ mới hết khổ đau.

Chiếc di động được chuyền tay nhau
Đứa nào cũng nao long muốn biết tin tức
Nhưng chỉ nhận được bản tin vô thực
“Không thể nào kết nối với thuê bao”.

Thương quê mình luôn lận đận, lao đao
Lại phải gánh chịu những tháng ngày bão lũ
Ở phương xa…
Căn phòng trọ lại những đêm không ngủ
Thổn thức cùng nỗi nhớ quê nhà!




Quên

Tôi để quên nắng chiều, trên cánh đồng lúa chín
Cho mẹ về nặng trĩu đôi vai
Tôi để quên khúc sông mùa nước nổi
Nặng tay chèo ba chở những yêu thương.

Tôi quên mái tóc dài, thì thầm trong gió thoảng
Chiều hương dừa bát ngát xa bay
Để quên cả những nhọc nhằn của mẹ
Chạy gạo từng lon nuôi tôi nên người.

Tôi quên đi những tháng ngày vụng dại
Lũy tre làng nuôi tôi lớn khôn
Quên con đường ngoằn ngoèo xanh mướt
Cùng lũ bạn đùa vui dưới ánh trăng.

Tôi quên đi vị ngọt của đất
Bìm bịp kêu chiều, khói đốt đồng cay
Để quên cả những ngày hè chát nắng
Tiếng râm ran của chàng nhạc sĩ buồn
.
Phan Hoàng Khánh
Địa chỉ: Bưu Điện Huyện Đông Hoà – Phú Yên
ĐT: 0914690609
Email:
hoangkhanhpy@gmail.com


Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

TẢN VĂN CỦA ĐÀO TẤN TRỰC



Cây thị đầu làng
Tuổi thơ tôi gắn với từng kỉ niệm ngọt ngào nơi làng quê.Từ buổi sáng tinh sương đến từng buổi chiều bảng lảng tiếng hoàng hôn, kỉ niệm đều in hình thành những nét rất riêng - ghi dấu ấn của một vùng đất trong tiềm thức, trong sáng và tươi nguyên - mà sau này có đôi lúc giật mình thảng thốt, nó trở thành kí ức dai dẳng theo ta đến suốt một đời.
Những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ trước, làng tôi còn nghèo. Ban ngày, cả làng thường đi làm đồng vắng, chỉ còn lại các cụ già và đám con nít tụi tôi. Tuổi thơ chúng tôi thường vây quanh nơi gốc cây thị cụt đọt đầu làng trò chuyện, nô đùa, chơi trò đuổi bắt. Có hôm, tôi và đứa bạn trốn sâu trong một hốc cây nên cả nhóm chẳng đứa nào tìm ra… Bóng cây sừng sững, che bóng mát cả một vùng đất trống, che cả tiếng cười giỡn nô đùa hú hí của tụi tôi; lúc tốt trời, âm thanh đó vang tận vào chân núi trong cánh đồng rồi vọng ngược trở ra như âm vang thần thánh..
Cây thị gắn với tên đất tên làng nhưng cây có tự đời nào không ai biết. Chỉ biết từ những năm đánh Mĩ, nơi đây từng là một trong những địa điểm bí mật của cách mạng, cây đã từng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của xóm làng. Rồi khi địch phát hiện, chúng đem bom ném xối cả vùng, cũng may bóng cây chỉ bị thương và cụt đọt; vết thương trên thân cổ thụ nhanh lành rồi cây sống cho đến bây giờ. Sau ngày đất nước thống nhất, dân làng về đây đoàn tụ đông đủ, cây dường như cũng trẻ lại và xanh tốt hơn. Gốc cây dễ chín mười người ôm không hết để lộ chùm rễ to bạnh phủ kín cả mặt đất như những con trăn khổng lồ đen trũi. Sang mùa quả chín, hương thơm theo gió bay ngát cả làng. Tôi và đám bạn thường dối mẹ, từ sớm, tranh thủ đi lượm trái thị chín rụng qua đêm. Suốt mùa thị chín, tôi và Nhân là người đứng đầu về số quả và hạt thị nhặt được . Quả thị chín có mùi thơm dễ chịu, hương bay xa, theo gió sang tận bên kia làng.
Gốc thị đầu làng cũng là nơi diễn ra lớp học đầu lòng của lứa tụi tôi. Lúc đó, quê còn nghèo. Chưa có mái trường nên chúng tôi tạm ngồi dưới bóng cây nghe cô giáo dạy hát múa và cầm tay tập cho những nét chữ ê a đầu đời. Đang mùa thị chín, có lúc quả rơi từ trên cao xuống, cô nhặt lên như môt bà tiên thật hiền mà sau này nghe thầy cô kể tôi mới hình dung được điều đó có trong cổ tích. Lẫn trong tiếng gió vi vu, hương thị nồng nàn, tiếng cô trò vọng lại nghe thân thương đầm ấm khó quên.
Cây thị đầu làng còn là nơi tụ họp vui chơi sinh hoạt hay buôn bán với vài đôi quang gánh trong làng. Mặc dù cuộc sống trăm nổi nhọc nhằn nhiều bộn bề lo lắng nhưng bà con xóm làng vẫn vồn vã vui tươi, nhất là những ngày hội làng hay những đêm sáng trăng. Bóng cây uy nghi linh thiêng che chở bảo bọc cho dân làng cả về đời sống tâm linh lẫn cuộc sống thường nhật. Nỗi buồn hay niềm vui được mùa cũng cậy vào bóng cây mà cần cù vượt qua khó nhọc, đi lên.
Thời gian cứ bình lặng trôi đi, tôi lớn dần lên và lớp học vỡ lòng cũng bình yên trôi vào dĩ vãng. Gửi làng quê yêu dấu lại với bạn bè, cô giáo và cả gốc thị đầu làng, tôi đi xa. Không ngờ mỗi lần ra đi lại là mỗi lần xa cách. Cuộc sống tất bật đã làm cho con người quên đi nhiều thứ, trong đó có một phần của quê hương, dần già quê hương đã trở thành kỉ niệm trong tâm thức của mỗi người con ra đi.
Tết vừa rồi, tôi trở về. Bây giờ làng quê đã thay đổi nhiều. Đứng trên con dốc đầu làng nhìn xuống trông xóm nhỏ năm nào như một thị trấn. Chen với từng mái ngói đỏ tươi, nhiều ngôi nhà sang trọng và những làn dây điện dọc ngang như có chút gì hiện đại. Rất mừng cho quê hương đã thay đổi, đi lên theo sự phát triển chung của đất nước. Tôi hối hả tìm về một thời đã lâu nhưng bạn bè một thuở đã đi xa chưa về. Cô giáo cũ năm nào nay đã lớn tuổi, đang chống chọi lại căn bệnh tuổi già với khí lạnh cuối mùa miên man sắp qua và cái nóng ran rát miền trung sắp về. Và em, cô bạn thân nhất của tôi ngày nào bây giờ cũng biền biệt quê chồng mù khơi; nghe đâu lâu rồi cô cũng chưa trở về thăm cha mẹ, bạn bè. Tôi rảo bước sang đầu làng tìm về hướng cây thị năm nào nhưng không thấy bóng cây đâu. Người ta đã chặt nó vì một lí do gì không biết, xây lên một cái cổng làng văn hoá nho nhỏ để bên trên dư ra một khoảng không gian làm xốn xang cả một vùng kí ức tuổi thơ!
Không biết những người sau lứa tụi tôi bước chân qua khỏi cổng làng có còn nhớ về quê hương với những kỉ niệm ngọt ngào như chúng tôi đã từng nhớ hay không.

DTT

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2009

TẢN VĂN CỦA ĐÀO TẤN TRỰC


Sinh nhật mùa ( Cho các em học trò 12 thân yêu)
Bao nhiêu năm gắn với màu hoa phượng sân trường, tôi chợt nhận ra rằng thời gian cũng có tuổi như con người. Từng giờ, từng ngày mùa tuần hoàn đến, ở quanh ta rồi đi. Mới hôm trước đây, mùa xuân hoa mai vàng hé nụ, chim én bay về sau tiết lập xuân, cây phượng góc sân trường đâm chồi nảy lộc thì hôm nay trên cành cao lộc non đã xanh và bắt đầu điểm một màu đo đỏ bé tí.
Hạ sang rồi nhưng ngôi trường vẫn im lặng như mùa đông. Các em đang miệt mài bài vở để chuẩn bị “vượt vũ môn hoá rồng” hay vô tình không thấy những chùm phượng kia! Tôi tin chắc rằng các em là người phát hiện đầu tiên, phải không! Phượng hé nụ là tín hiệu, là sinh nhật mùa đấy các em à. Ta thử hỏi rằng mùa đã bao nhiêu tuổi. Khó và không tìm được câu trả lời chính xác nhưng biết rằng mỗi năm mùa cũng thêm một tuổi như con người.
Bây giờ, phượng cho hoa. Từng chùm phượng bắt đầu đỏ dần dưới ánh nắng hè trông như từng ngọn nến trong đêm sinh nhật.. Ngàn bông hoa hoá ra mùa đã trên ngàn tuổi, hèn chi gốc cây rễ xù xì đụn lên như những con rắn khổng lồ mà lũ học trò hay ví von hù nhau khiếp sợ. Không phải thế đâu, phượng thật đáng yêu và có lẽ yêu hơn người ta tưởng.
Lúc mới bước chân vào lớp mười, các em còn nhút nhát. Chính chỗ này, gốc phượng này các em đã ngồi để ngắm cảnh sân trường cấp ba. Chao ôi, lạ quá, khác quá và cũng bình thường quá! Trường học có khác gì dưới cấp hai mà sao các em hay tưởng tượng và ngơ ngẩn đến nỗi lạ kì. Bộ óc con người thông minh và phong phú nhiều lúc làm cho người ta hơi bị thất vọng không ngờ. Nhưng không đâu: từ nơi này các em khép nép rồi làm quen; từ nơi này các em có thêm bạn bè và thầy cô mới; từ nơi này các em quen dần và xem như ngôi nhà của mình mỗi khi đến trường và cũng từ nơi này chúng ta có bao kiến thức cần thiết để chuẩn bị một cuộc hành trình, tiếp theo bước chân trên con đường của nhiều người đặt trước.
Một năm trôi qua, rồi hai năm nhanh chậm…có biết bao nhiêu điều kì diệu khó quên. Những lúc vô tư, trong sáng hay giận hờn, kí ức đều ghi nhớ và nhiều khi bềnh bồng chồng chất như sương núi trong tâm thức tuổi học trò. Nhanh thật. Giờ đây, các em lớp 12 chỉ còn lại những ngày cuối của tuổi học trò thần tiên dưới mái trường phổ thông. Biết nói gì trước lúc chia xa, biết nói gì cho nỗi nhớ đầy vơi không thay đổi. Hạ làm cho con người chờ mong, hạ để lại bao tiếc nuối xót xa và hạ cũng báo trước nhiều điều làm cho lòng người trong cuộc thêm day dứt, bâng khuâng.
Với tuổi học trò, hoa phượng như một hình tượng quen thộc vừa buồn vừa vui khó nói hết. Phượng gắn với áo trắng sân trường song phượng cũng chia tay ngăn cách để lại tình cảm đầu đời lưu luyến khó phai. Mai này dù có đi xa nửa vòng địa cầu, có thành danh cao chức trọng hay một ngày tuổi tác già nua đến mấy, khi nhìn lại những tấm ảnh cầm chùm phượng vĩ trên tay, chắc rằng các em cũng sẽ nôn nao nhớ lại một thời cắp sách đến trường.
Mùa hạ không có tuổi hay ta không đếm được tuổi của hạ. Cho dù hiểu thế nào đi nữa thì cuộc sống, con người, tạo vật luôn tựa vào nhau cảm thông chia sẻ để trái đất này được bình tâm hơn. Ngày mai đâu đó trong cuộc đời, những lúc bất chợt thấy phượng đơm bông, các em nhớ rằng đã đến sinh nhật mùa rồi đấy - tuổi của mùa lần đầu tiên ta biết là những ngày cắp sách đến trường. Khi đó ta tìm một nơi thật yên tĩnh, nhắm nghiền mắt lại để cùng thắp lên một ngọn nến cho mùa thêm sức sống, rồi nắm chặt tay lại hô thật to: Cố lên!

ĐÀO TẤN TRỰC