Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2008

TRAO ĐỔI HỌC HÀNH THI CỬ


Vì sao học sinh “né” kỳ thi học sinh giỏi quốc gia?
Có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia là niềm mơ ước của rất nhiều học sinh. Tuy nhiên hiện nay, nhiều em lại không mặn mà với kỳ thi này, thậm chí còn tìm cách “né” để không phải dự thi.Đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2008-2009 môn Địa lý đang ôn luyện - Ảnh: T.HẰNG

SỨC HÚT GIẢM

Là một trong những trường chủ lực trong việc rèn luyện, bồi dưỡng học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, vậy nhưng hai năm gần đây, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi học sinh tham gia kỳ thi này. Thầy giáo Nguyễn Văn Tăng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cho biết: Nếu như các năm trước, học sinh cạnh tranh để được vào đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp quốc gia thì nay các em lại lẩn tránh kỳ thi này. Nguyên nhân là Bộ GD - ĐT bỏ tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng đối với học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia. Chính vì vậy mà nhiều học sinh không còn động lực để tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Học sinh trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia được lựa chọn từ kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Để “né” không phải vào đội tuyển, ngay từ kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh, nhiều học sinh làm bài không đúng với năng lực của mình, thậm chí bỏ giấy trắng. Thầy Tăng nói: “Không chỉ làm bài không đúng với năng lực, một số em khi gần đến ngày tập trung đội tuyển dự thi thì lại xin không tham gia. Năm nay, toàn tỉnh có 57 học sinh vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, trong đó Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh có đến 46 học sinh. Ngay khi Sở GD - ĐT công bố danh sách học sinh được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia, rất nhiều em xin ra khỏi đội tuyển. Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên phải phân tích, động viên rất nhiều các em mới đồng ý tham gia”.
Không chỉ phụ huynh, học sinh không mặn mà, các trường THPT cũng không hào hứng với kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vì điều đó không đánh giá hết chất lượng đào tạo của trường. Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Tiên, giáo viên chuyên bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia cho biết: “Vài năm gần đây, phụ huynh và học sinh chủ yếu tập trung vào kỳ thi tuyển sinh đại học. Với một học sinh giỏi, khả năng giành vị trí thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học nhiều khi còn dễ hơn là phải ôn tập thi học sinh giỏi quốc gia”.

THIẾU ĐỘNG LỰC ĐỂ PHẤN ĐẤU
57 học sinh được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia đang được bồi dưỡng tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Tuy mỗi môn chỉ có 6 học sinh nhưng giờ học rất nghiêm túc. Theo cô Tiên, chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia không giống với nội dung kiến thức ôn tập tuyển sinh đại học, cao đẳng. Vì vậy, nếu dồn sức cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, các em sẽ gặp khó khăn trong việc ôn tập thi đại học, cao đẳng. Chính điều này đã làm học sinh không muốn tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Một học sinh của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh bộc bạch: “Khi biết em tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia, ba mẹ không bằng lòng chút nào. Nhưng vì truyền thống của trường, vì thầy cô giáo và để khẳng định mình, em sẽ cố gắng. Dù vậy, em vẫn lo nếu trong kỳ thi tuyển sinh đại học, em không đạt kết quả cao thì ba mẹ sẽ buồn lắm”.

Lực lượng chủ lực tham gia thi học sinh giỏi quốc gia của tỉnh Phú Yên là học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Từ khi Bộ GD - ĐT quyết định bỏ tuyển thẳng đối với học sinh giỏi quốc gia, học sinh của trường này dần dần “né” kỳ thi này. Đây cũng là điều dễ hiểu. Thầy Tăng nói: “Trước đây, vì được tuyển thẳng nên học sinh dồn hết sức cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Khi quyền lợi này không còn, các em tập trung sức để thi đại học, vì hiện nay xã hội đề cao thủ khoa đại học hơn học sinh giỏi. Trường dùng hình thức khen thưởng để kích thích học sinh tham gia, nhưng vì kinh phí hạn hẹp nên việc khen thưởng chưa đủ để hâm nóng nhiệt tình của các em”.
Theo các trường, muốn thu hút được học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Bộ GD - ĐT nên phục hồi chính sách miễn thi đại học. Có như thế, việc đánh giá chất lượng đào tạo giữa các trường trên toàn quốc mới đảm bảo khách quan, đúng thực chất.r
MẠNH THÚY
phuyenonline

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2008

TẢN VĂN CỦA ĐÀO TẤN TRỰC




Niềm vui neo giữ phận người


Tôi bước vào trường Sư phạm như một sự tình cờ nếu không nói là bất đắc dĩ.Tôi nói như vâỵ hoàn toàn dựa vào những điều thực tế của bản thân. Số là ngày trước tôi học một ngành khác, ngành Y. Năm 1996 tôi tốt nghiệp Y sỹ hệ chính quy, đây là khoá Y sỹ chính quy cuối cùng trong hệ thống đào tạo cán bộ Y tế cơ sở. Ra trường, tôi tình nguyện xin về công tác tại một xã miền núi nhưng lần lừa mái mấy năm trời không được. Không biết vì lý do gì. Sau đó tôi xin đi dự thi lớp Bác sỹ hệ chuyên tu tại Huế với nguyện vọng sau này về phục vụ cho xã nhà. Bởi quê tôi là một xã miền núi nên từ trước đến tận bây giờ vẫn không có một Bác sỹ nào chịu về công tác. Tôi khăn gói lên đường tiến thẳng cố đô. Được vài ngày, tôi nhận tin từ phòng Đào tạo Trường Y báo hồ sơ đồng chí không hợp lệ, phải có giấy chứng nhận công tác ở địa phương. Tôi trở về xã mong xin được tờ giấy đó nhưng rồi không được..!Tôi nghĩ, chẳng lẽ cuộc đời mình chấm hết ở đây! Tôi sẽ chứng minh khả năng của mình cho mọi người xem. Thế là tôi nộp đơn thi vào trường Sư phạm.
Một điều phải đáng công nhận như một định luật là thời gian. Ba năm trung học chuyên nghiệp, bốn năm thất nghiệp rồi bốn năm trong trường sư phạm, thế là hơn 10 năm, tuổi trẻ của tôi vèo một cái trôi tuột bên thềm. Bây giờ ngồi nhìn lại, tiếc thật.
Vào môi trường mới, tôi không ngừng cố gắng. Có nhiều kỉ niệm về trường lớp, thầy cô bạn hè học tập thật đáng nhớ, song nhớ nhất là ngày đi thực tập sư phạm; sau tiết dạy đầu tiên, cô giáo hướng dẫn chuyên môn bảo : “Nhìn tướng mạo trông giống thầy giáo thật đấy, sau này em có khả năng trở thành một giáo viên giỏi về chuyên môn.” Nghe vậy, tôi mừng rớn người, tôi nói với cô rằng em sẽ cố gắng hết sức. Cô nhìn tôi cười thân thiện như một niềm hi vọng còn đang phía trước, lúc này tôi thấy cô đẹp hơn bình thường. Sau đợt thực tập, tôi được nhà trường đánh giá, xếp loại xuất sắc.
Trở thành sinh viên sư phạm, công việc của nghề cũ gần như trôi vào dĩ vãng. Không phải tôi quên nhưng những gì cần làm tôi phải làm.. Ngoài học, tôi còn tập trung vào nghiên cứu và sáng tác, phải nói tôi rằng tôi là người hơi có duyên với văn chương cho nên những năm sinh viên tôi có bài đăng thường xuyên trên các tờ báo. Việc làm đó kéo tôi về với văn chương sách vở gần hơn.
Ngày ra trường, tôi vinh dự so với nhiều bạn bè cùng khoá, tôi có được hai tờ quyết định đi làm cùng một lúc( có lẽ ông trời bù lại lúc trước): một của Sở Giáo dục gọi đi dạy và một của một cơ quan báo chí hợp đồng làm phóng viên. Tôi thấy khó khăn với cách lựa chọn của mình. Mẹ bảo: con làm thầy giáo sau này sẽ có nhiều học trò, tâm sáng và được gần nhà, công việc ổn định. Ngoài gia đình, nhiều bạn tôi cũng khuyên tôi như vậy nhưng tôi thì tôi chán gần nhà lắm rồi; vả lại tôi thích được tựdo, đi nhiều, tôi muốn nghề báo…Một thời gian ngắn cần phải quyết định, cuối cùng tôi nghe lời mẹ, tôi thành thầy giáo ngon lành.
Tôi được phân công dạy ở một trường THPT lớn nhất huyện. Mấy tuần đầu tiên lên lớp vui nhiều. Học trò cứ ngơ ngẩn hỏi lâu giờ thầy dạy ở trường nào. Tôi bảo tôi mới vào nghề nhưng chúng nó không tin. Nó bảo thầy lớn rồi mà mới vào nghề. Tôi nói các em nên tin đi, làm thầy giáo không nói dối ai bao giờ, nhất là với học trò. Nó bảo vậy mà thầy B nay nói dối lắm thầy ơi. Tôi trợn mắt, cả lớp hình như sợ tôi ngồi im thinh thích.
Lớp học trò đầu tiên của tôi bây giờ có nhiều em ra trường đi làm rồi. chúng theo đủ nghề, đủ nghiệp, ra trường thất tán xa cách nhiều nơi. Lâu lâu chúng nó về quê ghé lại thăm thầy. Ngồi bên nhau thầy trò hỏi thăm đủ điều trong cuộc sống mới và nhắc lại những kỉ niệm trường lớp ngày xưa, qua những lần trò chuyện như vậy, tôi biết các em bây giờ cũng vất vả như tôi đã từng tìm việc ngày xưa.
Chủ nhiệm lớp là môt niền vui riêng trong những ngày đi dạy. Giáo viên không nhận được công tác chủ nhiệm khác nào gia đình thiếu vắng trẻ thơ. Cũng may năm sau, tôi được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp ban C. Ngày nhận lớp 10, nhìn em nào cũng hiền từ trong sáng và thơ ngây, tôi hỏi bây giờ các em bầu chọn bạn nào làm lớp trưởng. Chúng nó bảo lớp mình toàn nữ, thôi bây giờ thầy làm lớp trưởng luôn đi. Tôi nói đồng ý, cả lớp vỗ tay hoan hô lớp trưởng, thật đúng là học trò hết chõ nói…Thế đấy ngày đầu tiên lớp tôi chủ nhiệm thế đấy.
Ngày tháng trôi đi, ba năm qua nhẹ nhàng như một giấc mơ .Ba năm có biết bao niềm vui, kỉ niệm; ba năm cũng không trách khỏi những nỗi buồn nhẹ len từ hai phía. Lớp có 44 học sinh, tôi biết tình tình, hoàn cảnh gia đinh, sức học của từng em một; ngược lại các em cũng biết tôi, kiến thức, lòng đam mê rồi khả năng của thầy…Biết để gắng bó đồng cảm sẻ chia, biết để cùng nhau khắc phuc phấn đấu tiến bộ trong cuộc sống ngày mai… Trong buổi liên hoan chia tay ngày các em ra trường thật vui và tình cảm, ai cũng nói ra những điều rất thật từ trong lòng mình. Những lời nói thật khiến cảm xúc con người nhiều khi không thể kiềm nén được buộc phải nghẹn ngào. Các em tốt nghiệp ra trường, bây giờ đang là sinh viên của nhiều trường Cao đẳng Đại học trên cả nước. Các em có cuộc sống, môi trường và thầy cô mới; cũng như thầy, thầy sẽ có những lớp học trò mới, chúng nó cũng dễ thương, học giỏi và đôi lúc cũng nghịch ngợm như các em ngày trước. Thế đấy, cuộc sống hợp tan là lẽ thường mà chúng ta là người phải biết chấp nhận.
Thời gian đi dạy chưa gọi là dài lắm so với nhiều người khác nhưng bao nhiêu đó cũng đủ để tôi cảm thấy yêu nghề. Tình yêu đó không rõ hình bóng và cũng không thể định hình; tình yêu đó đủ để tôi biết nói lời cảm ơn với lời khen của cô giáo ngày xưa, đủ để tôi cảm thấy vững vàng yên tâm mỗi sáng mai xách cặp đến trường và khỏi khập khiễng khi bước lên bục giảng. Theo tôi, yêu nghề là gắn với trường lớp, công việc, học sinh, là tinh thần trách nhiêm, sự tận tâm và không ngừng học tập nghiên cứu; yêu nghề cũng phải biết tự trọng và biết đấu tranh bảo vệ lẽ phải, chống lại những gì gọi là a dua, ích kỉ và bảo thủ, yêu nghề cũng gắn với những trở trăn suy nghĩ tìm tòi phương pháp cho bài học tương lai…Phải nói,gắn với trường lớp quen rồi, những ngày nghỉ phép hoặc đi công tác, tôi cảm thấy như thiếu vắng một cái gì đó; hoặc những khi bản thân có điều không vui, vào lớp nhìn thấy gương mặt trong sáng thơ ngây của các em, những muộn phiền cuộc sống tan biến đi đâu cũng không biết nữa.
Nghề giáo là một nghề được xã hội tôn vinh từ xưa đến giờ. Bằng chứng chỉ rõ vào những việc làm thiết thực mà nhà nước ta đã và đang thực hiện. Trên bình diện chung của cả nước và truyền thông hiếu học của dân ta, tôi rât tự hào với công việc của mình. Nhưng trong một góc độ nào đó, hình tượng người thầy giáo trong cách nhìn của nhiều người ngày nay, giá trị không còn nguyên vẹn như xưa nữa. Biết giải thích làm sao đây. Một điều thật lạ kì, ngày nay người người nhà nhà cho con đi hoc , ai cũng mong muốn con mình thành người tại sao lại có một cái nhìn lệch hướng về người thầy như vậy. Biết rằng không thể tránh khỏi những chấm đen nhỏ đáng tiếc hằng năm mà báo đài đã lên tiếng, đất nước ta ngày ngày vẫn có hàng triệu triệu thầy cô giáo miệt mài chèo đò trên dòng sông rộng gian lao. Ở đó hình ảnh người thầy trong mắt của bao thế hệ người Việt Nam cứ lung linh toả sáng không ngừng. Thế mà, trong bộn bề cuộc sống hôm nay, đôi khi ngoảnh mặt nghe nhiều câu mà bản thân mình làm thầy giáo không khỏi bùi ngùi. Đồng ý thầy giáo nghèo vật chất, nhưng nghèo về tinh thần xin nói là không. Có người bảo lương không cao làm sao tâm sáng được… Xin nói lương tâm không liên quan gì với lương bỗng, chỉ sợ cái khác thôi.
Hơn năm năm đi dạy, buồn vui va chạm có rồi. Có lúc muốn chuyển nghề để đạt được nhiều mục đích khác nhưng rồi thôi. Cái duyên trong đời nhiều khi không ngờ được, và chính những điều không ngờ đó đã buộc chặt mình với một ai.

DTT
(Theo tuoitreonline)

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2008

THƠ ĐÀO TẤN TRỰC


Tìm lại em ngày xưa


Đừng sống sượng
những lời ngoài ngoài lồng ngực
dù cố gắng vẫn trở nên vô nghĩa

Sao em thường những chuyện đâu đâu
lờ mờ giọng nói
như loài chim di cư hết mùa tìm chốn

Sao em ngày càng giống họ
Điều đó chỉ có thể mãi mãi
xa… ngày xưa.

ĐTT

Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2008

TẢN VĂN CỦA ĐÀO TẤN TRỰC


BÁT NƯỚC CHÈ XANH.

Tôi biết đến bát nước chè xanh từ những ngày còn nhỏ. Quê tôi nằm ở vùng đất đỏ bazan quanh năm khí hậu mát mẻ phù hợp với các loài cây nhiệt đới, trong đó có cây chè.

Cuối thập niên bảy mươi và đầu những năm tám mươi của thế kỉ trước, sau cuộc vận động kinh tế, khai hoang vỡ hóa vùng đất này,quê tôi trở thành một nông trường chè của huyện.Ngoài ban giám đốc,phần lớn công nhân lao động chủ yếu những người ngoài các tỉnh từ bắc miền Trung trở ra vào đây lập nghiệp.Tôi còn nhớ có chú Hạ ,cô Quyền người Nghệ An. Cô chú tham gia thanh niên xung phong trong chiến tranh rồi đất nước giải phóng hai người dắt nhau về quê,đất chật người đông không có việc làm nên cả hai lặn lội vào đây.Những ngày đầu vào nông trường cô chú ở nhờ nhà tôi, gia tài mang theo chỉ có vài bộ áo quần bộ đội và một cái điếu cày đầu bịt nhôm đã lên nước bóng nhoáng. Mờ sáng, chú thường ngồi ở hiên nhà với ấm chè xanh hái từ chiều hôm trước ngoài nông trường om qua đêm. Chú uống bát chè nóng, rít hơi thuốc Lào thay bữa ăn sáng rồi cả hai cùng đi làm.Từ ngày có chú Ha,ï cô Quyền nhà tôi cũng vui hẳn lên. Tuy là nồi riêng nhưng có những chiều ăn cơm chung thật đầm ấm.

Cha tôi cũng bắt đầu uống chè xanh từ khi đó.Chú Hạ lấy làm vui nói: Chè xanh thơm lắm ông cụ à, nó thường chống được bệnh cảm ho thông thường ấy. Cha lấy làm đắc chí và dần dần chuyển sang uống chè xanh hẳn. Mỗi lần đi làm bên nông trường về chú Hạ không quên mang về một nắm, chú còn chỉ cha cách om chè đúng kiểu như người ngoài Bắc . Phải chọn lá không quá non hoặc quá già,nếu lá non sẽ loãng nước,lá già quá sợ mất vị thơm,lá vừa sẽ keo nước, có vị thơm và vị chát uống rất ngon. Có hai cách om: hoặc dùng ấm đất cho nước lạnh vào đun thật sôi rồi vò lá chè vừa chuẩn bị xong cho vào ấm , bỏ vào một lát gừng tươi đậy nắp lại, dùng khăn vải bọc kín giữ nhiệt độ , hai tiếng sau có thể dùng ngon; hoặc dùng ấm thường đun nước sôi rồi vò chè bỏ vào và bớt lửa hong trên than nóng nhẹ,cách này có thể dùng ngay nhưng không lâu và ngon như cách trên. Tôi nhiều lần om chè cho cha và cũng biết uống bát chè xanh lần đầu ở quê nhà.Sau này lớn lên tôi phải đi học xa nhà.

Từ biệt gia đình, cô Quyền chú Hạ tôi vào tỉnh rồi dần dần đi xa hơn. Nơi tôi trọ học một thời gian dài là vùng đất cố đô kinh kì-thủ phủ một thời đế vương phong kiến tồn tại gần hai thế kỉ trên đất nước ta. Chính vì vậy mà cuộc sống và con người nơi đây có những nét gì đó rất lạ so với nơi khác;họ trang nghiêm ,lễ giáo, nặng tình người…Ở đây được làm quen với những người bạn miền ngoài, tôi biết và học được ở họ nhiều điều về cuộc sống, văn hóa mà vùng đất Phú của tôi không có. Trong muôn vàn cái riêng chung đó,có bát nước chè xanh. Cái hôm Bố thằng Hiếu, bạn học cùng lớp , ở cùng phòng vào thăm, ông mang theo đủ thứ quà quê. Sau một đêm dốc bầu tâm sự, sáng hôm sau tôi thấy ông lấy từ trong ba lô ra một nắm chè xanh cho vào cái ấm cũ của tụi tôi đã lên màu đen vì khói lồ xô, ông cặm cụi đun và lấy bì kẹo lạc ra nhâm nhi cùng bát nước chè nóng trước khi lên tàu về Nghệ An. Vừa ngồi với nhau ông vừa nói: Choa thấy ở đầu hẻm có O bán cơm Hến, sáng tụi mi ra đó ăn một bát lót dạ rồi đi học, ở đó có nước chè xanh… Từ đó tôi và thằng Hiếu còm sáng nào cũng ra ăn tô cơm hến 1000 đồng và uống chén chè xanh rồi mới đạp xe lên giảng đường, lâu ngày tụi tôi và O bán cơm Hến trở nên thân tình. Ngày ra trường, tôi và Hiếu chuyển đồ ra đầu con hẻm, O nhìn tụi tôi vẫy tay nghẹn ngào: Tụi mi đi mạnh khỏe, khi mô trở lại ghé thăm O hè...Lâu rồi tôi chưa trở lại nơi này!

Tôi được phân công làm việc dưới đồng bằng. Do thời buổi công nghiệp nên con người cũng phải tất bật như những cỗ máy để mưu sinh. Buổi sáng uống li caphê vỉa hè trong vội vã, bạn bè chưa kịp hỏi chuyện với nhau đã đến giờ. Cứ thế một ngày, một tuần trôi qua…Chiều cuối tuần lại phải tranh thủ chạy về quê thăm mẹ. Mỗi lần như thế tôi không quên hái nắm chè xanh mang về thành phố, bạn bè thấy vậy bảo mày giống ông cụ Bắc kì quá, tôi cười – sợ không giống đấy chứ.

Gần đây rải rác trên báo đài có nói về uống chè xanh sẽ phòng được bệnh ung thư. Thế là họ đổ xô nhau đi tìm chè xanh mà uống, nhưng ở vùng đồng bằng cát trắng dọc duyên hải miền Trung tìm đâu ra. Lên chợ không thấy bán, về quê thì không có. Nghe bạn bè mách bảo họ tìm đến tôi, mấy chị trong cơ quan luôn miệng thứ bảy này em có về quê(thật tình mấy năm rồi có người có biết quê tôi ở đâu). Oâng Sếp trong cơ quan lại bảo khi nào về mang xuống cho bố nguyên một cây cả gốc lẫn rễ. Chiều lòng tôi cũng hì hạch mang từ vùng đất đỏ xuống, chỉ mấy tuần sau là cây ra bờ rào nằm.Thì ra loại cây khó tính này cũng kén đất dữ hè.

Đến cuối những năn chín mươi , vì làm ăn thua lỗ nên nông trường đã giải thể để lại một vùng đồi hoang hóa hơn trăm hecta. Những gốc chè to bây giờ không còn thẳng luống như ngày xưa nữa, nó khiêm nhường nằm khép mình dưới một rừng keo tai tượng rì rào trong gió…Và cuối mỗi tuần nó lại âm thầm cung cấp lá, hạt cho tôi mang về dưới xuôi. Cảm ơn các bài báo, vì “nhà ngươi” mà mọi người quan tâm đến ta. Những khi om chè tôi lại nhớ cô Quyền chú Hạ , không biết bây giờ họ đang ở đâu.
ĐTT
(THEO NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI)

THƠ ĐINH LĂNG


TÌM LẠI MÙA ĐÔNG


Em về tìm lại mùa đông
Lá bàng cháy đỏ, rơi cong phố chiều
Lặng im trước bức tường rêu
Lục trong ký ức những điều nhớ quên.

Ly cà phê giấu nỗi buồn
Nhấm từng giọt đắng, con đường xa xa
Hoàng hôn rơi giữa chiều tà
Phố vẫn nhỏ, chỉ riêng ta lớn rồi !

Lá bàng cháy đỏ vẫn rơi
Chiều cong góc phố, em ngồi...mùa đông!

Phú Yên online

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2008

TẢN VĂN CỦA VÕ THỊ LỆ


Lời đề tặng thầy cô
Viết cho thầy T.
Đã hai năm trôi qua tôi không về thăm thầy trong ngày 20 -11.Trong lúc bạn bè bận rộn với những kế hoạch dành cho thầy cô thì tôi vẫn dửng dưng…Ngày đi học, tối về hoàn thành bài tập. Cuộc sống của tôi cứ thế lặp lại theo năm tháng.
Một đêm, dù cố ru mình vào giấc ngủ nhưng tôi không tài nào chợp mắt. Xung quanh tôi là khoảng không tối mịt. Tôi nhớ những năm học phổ thông, nhớ về những người đưa đò suốt mùa học…Tôi viết những dòng chữ như hồi tưởng lại kỉ niệm về người thầy, người cô đã hun đúc trong tôi tình yêu văn học và yêu chính bản thân mình.
Nhỏ bạn thường nhắc đến tên của thầy mỗi lần hai đứa nói về đêm thơ Nguyên Tiêu hay bình luận về một bài báo nào đó. Nhưng mãi cho đến lúc học bồi dưỡng môn văn tôi mới gặp thầy.
Thầy không gò bó bằng cách đọc cho học trò chép nguyên si một bài văn mẫu nào đó. Bài dạy của thầy bao giờ cũng tóm gọn trong một dàn ý mang tính chất gợi mở rồi bọn tôi tự viết thành bài hoàn chỉnh. Thi thoảng, thầy xen vào buổi học bằng một bài thơ vừa sáng tác hay một kỉ niệm của thầy trong những ngày học ở Huế. Thầy có khá nhiều tác phẩm đăng báo. Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm nhận được tình yêu và nỗi nhớ của thầy về Huế trong từng con chữ nhẹ nhàng, da diết…
Ngày đó, tôi cũng tập tành viết lách rồi nhờ thầy góp ý. Lúc đầu, tôi cảm thấy nản vì lúc nào cũng nhận từ thầy những lời phê bình nào là “bài viết không hay”, “bài này chỉ đạt loại trung bình khá”…Dần dần, tôi bắt đầu học tính kiên nhẫn bởi tôi tin rằng mọi sự cố gắng đều được đến đáp xứng đáng.
Nếu tôi biết ơn cô chủ nhiệm là người tập cho tôi cách sống tự lập và phải biết chịu trách nhiệm về những gì mình làm thì tôi cảm ơn thầy về bài học của niềm tin ở bản thân và sự kiên nhẫn. Ngày biết tôi định thi ngành báo chí, gia đình phản đối vì cho đó là ngành nguy hiểm. Tự nhiên tôi chùn bước và không muốn cố gắng nữa…Tình cờ hôm ấy, thầy kể cho tôi nghe về những khó khăn của cậu học trò nhà quê là thầy ra tận xứ Huế để học. Thầy kể về những người con đất Phú thành danh với nghề báo… Ngày hôm ấy tôi đã suy nghĩ thật nhiều về những lời nói của thầy. Tôi nhận ra từ trước tới giờ tôi luôn miệng bảo mình thích ngành báo nhưng chưa một lần tôi thật sự quyết tâm với ước mơ đó. Kì thi đại học sắp đến, tôi quyết định bỏ hẳn ý nghĩ “đậu cũng được, không đậu cũng chẳng sao” như kì thi học sinh giỏi.
Mọi cố gắng đều được đền đáp xứng đáng. Và tôi đã đậu đại học.
Mặc dù bận rộn, thầy vẫn đến chia vui với học trò trong bữa tiệc liên hoan trước hôm tôi vào Nam nhập học. Thầy tặng tôi 50.000 đồng cùng mảnh giấy động viên tôi hãy cố gắng thật nhiều cho chặng đường sắp tới. Lời chúc mừng thật ấm áp…
Học xa nhà, cảm giác cô đơn và thấy mình kiệt sức thường quây lấy tôi sau những giờ học. Tôi sợ những người tin tưởng mình sẽ thất vọng. Những lúc như vậy, tôi chạy một mạch ra bưu điện gọi về cho thầy và cô chủ nhiệm để được tiếp thêm niềm tin. Thi thoảng, đọc được bài thầy trên báo, tôi mừng quýnh và tự nhủ mình không ngừng phấn đấu như thầy.
Mỗi lần về nhà, bao giờ tôi cũng chạy lên năn nỉ nhỏ bạn chở đến nhà thầy và cô.
Lại một 20 - 11 tôi không về thăm nhà. Lại một 20 - 11 tôi gửi về thầy cô lòng biết ơn chân thành món quà là những quyển sách. Lại một 20 - 11 tôi nghe giọng trách móc quen thuộc của thầy và cô chủ nhiệm “Học xa tốn kém lắm, em mua quà làm gì?”. Lời trách yêu sao quá đỗi ngọt ngào…

VÕ THỊ LỆ
Lớp báo chí K07, ĐH KHXH & NV Tp HCM
.