Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2009

TẢN VĂN CỦA ĐÀO TẤN TRỰC


TÓC DÀI TRÊN PHỐ
Con gái đến tuổi dậy thì, tóc bắt đầu đen và mượt dần. Mười bảy tuổi, mái tóc dịu dàng xoã kín bờ vai. Tóc dài làm tôn thêm vẻ đẹp, duyên dáng; nó như một phần tạo nên vóc dáng, nết na của người thiếu nữ .
Ngày trước các thôn nữ thường gội đầu bằng lá chanh, lá bưởi, lá dứa…Mái tóc đã đen lại càng đen nhánh, óng mượt và xanh thẳm. Ngày đó tóc dài vừa để làm đẹp, vừa như một sự bình thường hiện hữu hiển nhiên. Con gái ai cũng tóc dài! Tôi có lần mê mẩn trước nét đẹp trên một mái tóc dài của cô bạn học cùng trường. Mái tóc cô như có linh hồn phả vào tôi bao điều kì diệu. Những lần tan lớp, tôi thường đi sau cô, cố giữ một khoảng cách vừa đủ để ngắm nhìn mái tóc xoã trên bờ vai ngọc ngà dưới làn nón nghiêng che hoà quyện cùng chiếc áo dài vô tư đạp xe trên phố. Con gái có mái tóc dài đạp xe trên phố đẹp và dịu dàng. Con gái có mái tóc dài đạp xe trên phố có biết bao chàng trai lặng lẽ theo sau làm cho con đường rợp bóng mát dưới những hàng cây cổ thụ đã xa lại càng xa thẳm và hun hút hơn. Tôi biết yêu mái tóc dài từ đó, biết quý từng con đường và dường như bớt căng thẳng hơn sau nhiều buổi tan trường. Tóc dài trên áo, áo dài trên phố như đàn bướm trắng lộng lẫy giữa vườn hoa mùa xuân làm cho phố phường trong giờ tan tầm gần như chật ních lại không bao giờ ngột ngạc vô duyên.
Một may mắn trong đời, tôi nhiều năm được sống ở mảnh đất cố đô, nơi có ngôi trường Đồng Khánh ngày xưa nổi tiếng nay là trương Hai Bà Trưng cạnh trường Quốc Học. Con gái Huế mặc áo dài tím qua cầu Tràng Tiền trong bất cứ thời gian nào cũng trông mới dễ thương làm sao. Hầu như thiếu nữ Huế đều để tóc dài. Có những cô tóc dài như nước dòng Hương dịu dàng soi bóng kinh thành mát dịu. Trời Huế mờ sương, khí hậu trong lành hoà hợp theo mùa nên bất cứ gam màu nào tóc dài cũng đẹp.
Thời cắp sách đã lùi xa vào dĩ vãng. Mái tóc dài cũng trở nên hun hút như những con đường có bóng cây hay thoáng qua trong trí nghĩ. Biết bao việc cần với thực tế, biết bao việc phải làm cho cuộc sống hôm nay chưa nói hết nên phần nào nét đẹp của mái tóc dài cũng lùi xa vào ngày cũ. Một lúc nào đó chính tôi cũng tự thấy mình đứng xa với ngày xưa, kể cả đám bạn thân một thời. Bây giờ thời gian hiếm như vàng, một năm gặp mặt một lần cũng đủ lắm. Gặp để tâm sự, sẻ chia, gặp để nhận ra ít nhất một lần ai cũng khác, kể cả cô bạn ngày trước có mái tóc dài chấm lưng. Cô vào nam học đại học rồi làm việc, có lẽ mái tóc dài không phù hợp với môi trường và công việc nên cô đã đành lòng cắt đi… Cũng đúng thôi. Phù hợp, quý phái và sang trọng… âu cũng là một tiêu chí cho người phụ nữ ở bất cứ thời điểm nào.
Ngày nay, mỗi chiều ra phố tôi muốn nhìn một mái tóc dài thướt tha cho đỡ nhớ sao không thấy.

Đào Tấn Trực

THƠ BÙI VĂN THÀNH


Th s Bùi Văn Thành nguyên Hiệu trưởng trường THCS TRần Rịa. Hiện anh đang là phó phòng Giáo dục huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Làm công tác quản lí nhưng anh có lòng đam mê sáng tác và nghiên cứu văn học. Tác phẩm của anh được đăng nhiều trên các báo. daotantruc.blogspot.com xin giới thiệu hai bài thơ lục bát mới của anh.

Tìm lời mẹ ru
I
Mỗi người có một tuổi thơ
Tuổi thơ tôi, tiếng ầu ơ mẹ hiền
Trò chơi chẳng tốn bạc tiền
Dán dìều, đẽo dụ, làm thuyền mo nang
Kèn dừa tự quấn kêu vang
Mùa hè bắt dế, thêng thang ngoài đồng
Tuổi thơ tôi gắn dòng sông
Thả lờ câu cá rô đồng chấm rau
Bài vở vẫn thuộc làu làu
Giờ sinh hoạt, nắm tay nhau vui cười
Tuổi thơ bám riết tuổi đời
Giữ cho hơi ấm sáng ngời tình quê
Thời gian cõng cả tuổi thơ
Cho tôi hiểu tiếng ầu ơ khóc cười…

II
Xa quê ngót nửa đời người
Trở về quê cũ tìm lời mẹ ru…
Mẹ già vào cõi thiên thu
Lời ru năm cũ vi vu võng nhà
Thoảng nghe trong gió lời ca
Tiếng ru của mẹ thiết tha ngọt ngào
Vẳng nghe tiếng ếch bờ ao
Lời ru của mẹ hoà vào tiếng ve…
Đêm trăng lóng lánh ngọn tre
Mẹ ru như gió mùa hè nam non
Con về tìm lại lối mòn
Tuổi ngày thơ ấy có còn hay không
Lặng im nghe tiếng cõi lòng
Lời ru của mẹ ẳm bồng à ơi…….



Giấc mơ thăm Thầy

Kính tặng thầy Chu Xuân Bình
Tôi có trăm ngàn giấc mơ
Nhưng giấc mơ đêm nay là giấc mơ đẹp thật
Tôi đến Nha Trang thăm thầy sau một ngày tất bật lo toan cho cuộc sống đời thường
Đường xa, đèo dốc gập ghềnh
Một vợ hai con trên một chiếc Hon Đa Đam cũ kĩ
Xe phải nghỉ nhiều nơi nhưng cuối cùng vẫn đến thăm thầy được
Không gặp thầy lại gặp vô số bạn bè ngày xưa cũ
Tuổi sinh viên sống lại dịu kì
Hàn huyên bạn bè chờ thầy mãi tới khuya
Vì điều kiện gia đình, tôi phải trở về ngay
Xe chạy như bay, với bao điều trăn trở
Không biết thầy mình giờ đã dạy về chưa
Giữa đường, trời bỗng đổ cơn mưa
Vợ lạnh, con run, đường đi lầy lội
Nhưng trong sâu thẳm lòng tôi, vẫn vui như ngày hội
Vì đã được thăm thầy, dù chỉ giấc mơ !

1995
Bùi Văn Thành
ĐC: Phòng giáo dục huyện Tuy An – Phú Yên
Email:
buivanthanhpgd@gmail.com
ĐT: 0982510564

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

TẢN VĂN CỦA ĐÀO TẤN TRỰC

Vầng trăng vẫn thế
Nơi tôi ở gần với khu công nghiệp nên ít khi bị mất điện. Có chăng cũng thỉnh thoảng nhưng tối nay lại mất điện. Căn phòng chật, trời nóng nên tôi ra ngoài cho thoáng. Ngồi nhìn đường quốc lộ, từng đoàn xe nối đuôi nhau ra bắc vào nam trong bóng đêm ồn ào, lặng lẽ. Bầu trời cao vời vợi, những ngôi sao đồng hành cùng ông trăng sáng. Tôi nhắn tin: Em làm gì, tối nay trăng sáng, mình lên đỉnh Nhạn ngắm trăng em nhé! Chu cha, hôm nay anh cũng lãng mạn thế à….
Lâu giờ tôi quên đêm trăng sáng thật đấy. Trăng đến độ vẫn như thường nhưng lỗi do mình hờ hững qúa thôi. Đúng rồi, ban ngày bao nhiêu là việc, có khi quên cả mình, tối về nhà đã khuya lại phải chuẩn bị cho công việc ngày mai – ngày dương lịch nên làm gì có thời gian nhớ đến ông trăng như năm nào.
Lại nhớ về ngày cũ. Suốt thời trẻ con rồi học phổ thông, tôi chưa bao giờ được đánh vần, ngồi làm bài tập dưới bóng điện nơi quê nhà. Nhà quê lam lũ trong bóng đêm, trong bóng đèn dầu nhưng không hề tối tăm. Mỗi đêm trăng, bọn trẻ con chúng tôi hay chơi trò đuổi bắt, trốn tìm trong xóm, kỉ niệm mênh mang và nhiều khi mơ hồ đã chìm theo ngày tháng. Các cô chú, anh chị cũng rộn ràng mỗi độ trăng về… Bóng Trăng nơi miền quê như thâu tóm toàn bộ cảnh vật, bầu trời vào tấm gương thần rồi chiếu ngược lại làm cho thiên nhiên nên thơ, hữu tình và không trơ trụi, bụi bặm như ban ngày.
Từ làng quê không điện, biết bao con người đã ra đi, thành đạt, đóng góp công sức mình cho công cuộc xây dựng đất nước. Do môi trường, cuộc sống, lứa tuổi và công việc làm ăn nên nhiều người bây giờ không có thời gian nhớ về những chuyện không đâu. Cả ngày ngồi trong phòng lạnh hay mải mê vận hành những cổ máy; tối lại đối mặt với bóng đèn cao áp, máy tính hay chiếc ti vi…Cũng như tôi, thật tình khó nhớ và khó nói làm sao…
Xin cảm ơn bầu trời đã cho ánh trăng, ánh trăng đã cho tôi nhiều kỉ niệm. Xin mắc nợ mùa trăng rằm nơi làng quê xa lắc mà lâu rồi tôi chưa có dịp trở về. Xin cảm ơn em và buổi tối mất điện hôm nay đã cho tôi kịp nhận ra rằng, bóng trăng vẫn đẹp và luôn đồng hành bên con người.

Đào Tấn Trực

Ý KIẾN TRAO ĐỔI

Trả lời ông Nguyễn Kiến Thiết

Rất tiếc đọc được bài của ông viết về bài thơ Vọng làng của tác giả Đào Tấn Trực quá muộn dù vậy, tôi không thể không viết. Chắc tác giả đã có lời giải thông theo như yêu cầu của ông. Nhưng tôi xin được trao đổi cùng ông.
Trước hết, ông cho rằng “ với bài “Vọng làng” của tác giả Đào Tấn Trực, có nhiều chỗ tôi chưa thông hiểu”. Xin thưa với ông, cũng không có gì không hiểu, nếu như ta có một trình độ nhất định, bởi thơ là nghệ thuật chứ không phải là ca dao mà phải đại quần chúng cũng hiểu. ( những chỗ không hiểu của ông tôi sẽ giãi mã sau)
Thứ đến, ông cho rằng: “ ý tưởng này là ý hay nên đã có hàng nghìn bài thơ khai thác đề tài này. Điều này dễ gây cho độc giả hiểu lầm là tác giả đạo thơ”.Trời ơi! Sao Bác nói vậy? tình yêu là đề tài muôn thuở mà từ xưa đến nay vẫn cứ được khai thác và được mọi người yêu thích thì sao?. Còn đạo văn thì Bác cố đọc thử trong các bài văn thơ viết về hoài niệm tuổi thơ có câu nào tác giả lấy cắp không? Nói phải có sách, mách phải có chứng Bác ạ. Cái xấu của con người ta là hay áp đặt ý của mình lên người khác đấy.
Thứ ba là “ đến ba câu cuối tác gải đã tự đốt lưới nhà phản đề phần đầu, câu ca dao cũ hình như lỡ làng”. Xin hỏi tác giả câu ca dao cũ là câu gì? Vậy tôi xin hỏi Bác, mẹ ngày xưa ru Bác câu gì? Hay chỉ có câu Công cha như núi Thái Sơn…. mà Bác viết không ạ? Muốn hiểu câu thơ phải đặt nó trong lô gích của tác phẩm. Mười lăm câu thơ mà Bác cho là hay đấy, nó nói được tấm lòng hoài niệm của tác giả đối với quê nhà. Còn hai câu tiếp theo: “ Mẹ già đã hoá mùa thu / Câu ca dao cũ hình như lỡ làng” . Theo tôi hiểu thì mẹ đã đi vào cõi vĩnh hằng ( mẹ hoá mùa thu là vào cõi vĩnh hằng thì người VIệt Nam ai cũng hiểu cả), câu ca dao ngày xưa của mẹ ru đã để lại trong tác giả nỗi nhớ nhung, luyến tiếc. Bởi ai cũng lớn lên từ lời ru của mẹ, hay hiểu theo một cách khác, trở về làng, mẹ già không còn nữa, câu ca dao ngày xưa mẹ ru, mẹ hát, mẹ dặn “hình như lỡ làng” khiến tác giả không những nhớ nhung mà còn có chút ân hận về những điều mình chưa trả hiếu cho mẹ…. chứ không phải như Bác nghĩ “ là ca dao dù có ra đời lâu nhưng không bao giờ cũ. Tác giả khát khao hoài niệm tuổi thơ nơi đồng nội có cha sinh mẹ dưỡng, đầy ắp kỉ niệm êm đềm, bây giờ sao lại lỡ làng” .
Tiếp đến như Bác nói “ Huơ bàn tay gọi đò sang / Chở tôi về dưới cổng làng ngày xưa. Thưa tác giả chắc không lái đò nào có thể chở tác giả ra tận miền Bắc, xa quá tác giả ơi! Xin nhắc nhà thơ, nhà giáo là ở quê ta không hề có cổng làng. Cái cổng làng của tác giả chỉ là hình ảnh của cậu học trò mọt sách viết theo sách giáo khoa xưa.
Ối trời ơi! đến đây, tôi mới thực sự hiểu được trình độ người viết. Trước hết là con người hiểu thơ theo “ Xã hội học dung tục”. Cách hiểu này đã từng làm phiền toái biết bao nhân tài. Mặt khác, làm gì mà Bác nặng lời với tác giả bài thơ như vậy. Bác có thù oán gì với tác giả không? Hay sao mà Bác viết vậy. Thôi, xin thưa với Bác, những chuyện như Bác nói ấy nó nhan nhản trong văn chương, rất tiết là Bác đọc và học ít quá ( Bác có muốn tôi lấy dẫn chứng không, ví như trường hợp Minh Huệ, Chế Lan Viên…Minh Huệ khi viết bài thơ Đêm nay Bác không ngủ không hề gặp Bác, còn Chế Lan Viên viết về Tây Bắc cũng chưa bao giờ đến Tây Bắc). Nhà thơ hơn người thường là vậy Bác ơi. Và nếu vậy thì Bác cũng nên góp ý trên tinh thần xây dựng.May mà ( tôi tin là như vậy) Bác không giữ chức vụ gì về văn học nghệ thuật, nếu như có thì chắc tiêu biết bao người.Bài thơ trên đã để lại trong tôi một ấn tượng mạnh và đẹp chưa bao giờ có về chủ đề hoài niệm, vì vậy, mà sau khi đọc bài thơ trên, tôi đã cảm xúc viết nhiều bài thơ cũng về chủ đề ấy. Nhân đây cũng nói luôn với Bác, theo tôi, do ở Phú Yên, hay nói chính xác quê tác giả nếu không có cỗng làng thì bài thơ càng hay nữa, vì thơ nó đâu chỉ dành cho riêng ai. Người miền Bắc đọc bài thơ Vọng làng họ yêu mến biết bao, họ thấy trong đó có họ, và vì thế mà bài sẽ sống mãi năm tháng. Tôi tin chắc như vậy. Không tin Bác cứ sống mà coi.
Cuối cùng như Bác nói “ Sau khi nghe đài thông báo bài thơ “Vọng làng” đăng quang Thơ Trạng 2008 quê nhà, nhiều thi hữu gặp tôi chỉ biết lắc đầu nói nhỏ: “bài thơ mà nhất thơ 2008 thì vô tình hạ thấp ( chưa đến nỗi hạ nhục) vùng thơ đất Phú”
Bác ạ, người ta thường có câu, muốn biết người hãy xem bạn anh ta. Theo tôi thì “thi hữu” mà Bác nói ấy thì tâm địa cũng như Bác vậy thôi.
Nguyễn Du đã từng nói : “ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Mong rằng cách góp ý, xây dựng cũng từ chữ tâm mà cụ Nguyễn hằng tâm nguyện.

Bùi Văn Thành
( Phòng Giáo dục và Đào tạo Tuy An )

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2009

Ý KIẾN TRAO ĐỔI

THƯ "CÁO ỐM" CỦA ÔNG NGUYỄN KIẾN THIẾT
Người gửi: Nguyễn Kiến Thiết (Cán bộ hưu trí, hiện ở KP 3Ninh Tịnh, P.9, TP Tuy Hoà)
Tuy Hoà 22.02.2009

Thưa thầy Phạm Ngọc Hiền
Sau khi đọc bài “Chất thơ trong một cuộc thơ” trên Báo phú Yên, vì có liên quan đến bài “Vọng làng’ của tác giả Đào Tấn Trực, nên tôi có ý kiến giải bày sau đây:
- Ngày 09/02/2009, tôi có thư nhờ cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh chuyển đến tác giả để xin được giải thông mấy điều tôi chưa rõ. Đến nay tôi chưa nhận được phúc thư, nhưng may mắn đã có thầy giúp tác giả làm việc này với hình thức một bài phê bình thơ. Dù có u tối đến mấy tôi vẫn biết được dụng ý của bài báo là mượn chuyện phê bình tuyển tập thơ để bào chữa hộ cho đàn em.
Bài thơ đâu phải là bản tuyên dương mà chỉ đơn thuần nói về cái hay cái đẹp, không một lời đề cập đến những điểm còn hạn chế. Không lẽ tuyển tập thơ này quá hoàn thiện ? Là một tiến sỹ văn học chuyên về phê bình thơ văn mà không phát hiện những “ổ gà” trong các bài thơ đạt giải sao? Vậy mà, một số bạn thơ nghiệp dư lại có ý kiến rất xác đáng; đơn cử:
- Bài thơ “Gồng gánh” của Hà Kiều My thật hay. Giữa bài xen vào câu “ Những đứa con điện về, xin tiền, đi học” sau câu thơ vừa hay vừa đủ ý “Con chữ hôm qua lại cựa mình trong giấc mơ của mẹ”. Thêm vào một câu vừa thừa ý, vừa thiếu chất thơ làm cho bài thơ giảm giá, khác gì hạt sạn trong bát cơm thơm phức gạo Nàng Hương.
Trong thơ tôi gửi cho thầy Đào Tấn Trực, tôi vẫn có lời khen 15 câu đầu, chỉ thắc mắc mấy câu cuối, đặc biệt là câu: “Câu ca dao cũ hình như lỡ làng” đi sau câu “Mẹ giờ đã hoá mùa thu”. Theo thầy Hiền thì “Mẹ già đã hoá mùa thu” tức là đi vào cõi vĩnh hằng (chết). Hoá mùa thu mà giải nghĩa là chết thì khó thuyết phục. Mùa thu, mùa thay lá nên cây úa lá vàng, mẹ hoá mùa thu tức là già nua theo tuổi tác (3/4 cuộc đời, cuối mùa đông mới cuối đời) nên tóc bạc, da mồi chứ không hề chết. Nhưng nếu tạm chấp nhận hoá mùa thu là chết, như vậy người mẹ của tác giả đã chết. Chết vì thiếu sự phụng dưỡng của đứa con trai đang ở gần quê nhà “Nằm nghe con sóng quê nhà” mà không về. Chiến tranh đã lùi xa. Nông thôn ngày càng thay da đổi thịt mà người ra đi vẫn không về để cùng đồng bào xây dựng nông thôn mới, để gần gũi phụng dưỡng mẹ già, báo hiếu theo truyền thống tốt đẹp của người dân Việt. Tội bất hiếu ấy khó tha thứ!
Những ý kiến trình bày trên đây không ngoài mục đích góp phần xây dựng phong trào sáng tác thơ văn tỉnh nhà. Là một người yêu chuộng thơ văn, tôi rất kính phục và ngưỡng mộ thầy Hiền và cô Trang. Các thầy cô là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, chịu khó vươn lên.
Tôi xin chúc thầy Đào Tấn Trực; rất mong thầy phát huy khả năng sẵn có để cống hiến cho xã hội nhiều tác phẩm văn học có giá trị.
Cuối cùng, xin được chấm dứt cuộc trao đổi bổ ích này để cùng nhau bắt tay vào nhiệm vụ mới - Nhiệm vụ phát triển văn học tỉnh nhà trong thời kỳ mới./.
Bản sao kính gửi: Kính thư- Hội Liên hiệp VHNT tỉnh PY
BáoPhúYên

“Kính tường trình”
Nguyễn Kiến Thiết
M M Tâm đánh máy theo nguyên bản)

Ý KIẾN TRAO ĐỔI

Ý KIẾN -THƠ CỦA BÙI VĂN TUẤN VỀ VỤ "VỌNG LÀNG"

SÓNG GIÓ RỒI SẼ QUA ĐI!
Kính thưa quý độc giả! Tôi: Bùi Văn Tuấn, người con của đất Hòa Quang-Phú Hòa-Phú Yên. Là cựu học sinh trường Trần Quốc Tuấn (1983-1986), và may mắn được trui rèn bởi những người thầy vô cùng mẫu mực như: Thầy Nguyễn Đình Chúc, thầy Phan Long Côn, thầy Nguyễn Hữu Phước v.v… kể cả về kiến thức và nhân cách.
Tôi xa quê hương vào Nam đi học và lập nghiệp cũng ngót nghét hai chục năm trời. Xin thật lòng mà nói: không sống ở đâu bằng sống trên chính mảnh đất quê hương mình. Nhiều đêm đang ngồi, tôi bỗng thấy nhớ mảnh trăng quê da diết. Ước gì vào một đêm trăng thanh, tất cả những bạn bè chiến hữu đều ngồi quây quần bên nhau, cùng nhâm nhi ly rượu nồng, nhìn trăng và nghêu ngao những bài tình ca tha thiết…
Kính thưa quý vị!
Nhờ công nghệ thông tin bùng nổ mà hàng lọat tờ báo điện tử ra đời, nên tôi mới có dịp cập nhật hằng ngày những tin tức và sự kiện ở quê nhà qua báo điện tử Phú Yên. Và qua đó, tôi cũng được thưởng thức những bài thơ hay, những áng văn sống động. Ngây ngất với chùm thơ lục bát của Đinh Lăng, nỗi khắc khỏai và trở trăn của con người xứ nẫu qua bài: Miền trung của Đào Đức Tuấn, rồi ước mơ cuộc đời luôn tươi sáng qua bài: Nụ tầm xuân của Phan Hòang v.v… nhưng tôi thật sự xúc động khi đọc bài Vọng làng của Đào Tấn Trực. Nói thật, lâu lắm rồi tôi mới đọc được một bài thơ mà cảm xúc lại trào dâng đến thế! Cám ơn tác giả Đào Tấn Trực đã cho tuổi thơ tôi và biết bao người nữa đã được hồi sinh qua năm tháng…
Tuy sóng gió đang rình rập uy hiếp “Vọng làng”, nhưng tôi tin rằng tác giả luôn kiên định với nghiệp cầm bút của mình và sẽ cho ra đời nhiều và thật nhiều bài thơ hay nữa…
Mượn thơ thay lời muốn nói! Tôi xin mạn phép gởi đến quý độc giả yêu văn chương và nghệ thuật.

Thẹn
Con miểu cắn con mèo
Cả hai ngồi thở pheo
Rồi nhìn nhau e thẹn:
Mèo!

Ganh
Ta bí ngươi là bầu
Chả có họ hàng nhau
Cớ sao người soán chỗ
Bầu?

Saigon, ngày 07/03/2009Bùi Văn Tuấn

Ý KIẾN TRAO ĐỔI

CHẤT THƠ TRONG MỘT CUỘC THI THƠ
.
Giải thưởng văn học thường niên của Hội LH VHNT và Hội Cựu học sinh trung học Phú Yên vừa mới được hình thành gần đây nhưng đã sớm khẳng định được thương hiệu của mình. Năm 2008, Ban tổ chức phát động cuộc thi thơ và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhiều văn nghệ sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Để tăng tính khách quan, thành phần Ban Giám khảo không chỉ có các nhà văn quen thuộc trong tỉnh mà còn có cả những nhà văn có uy tín ở các tỉnh khác như Lê Khánh Mai (Chủ tịch Hội VHNT Khánh Hòa) và Nguyễn Thanh Mừng (Chủ tịch Hội VHNT Bình Định). Ban Giám khảo đã chọn ra được 11 tác giả để trao giải. Những tác phẩm có chất lượng trong cuộc thi được Ban Tổ chức chọn in thành tập Vọng làng đang thu hút sự quan tâm của các bạn yêu thơ.
Đến với văn chương, mỗi người có một cách cảm nhận khác nhau nhưng có lẽ đa số bạn đọc đều tán thành quan điểm cho rằng, một bài thơ hay cần phải có “chất thơ”. Tức là phải có một vẻ đẹp nhất định về ngôn từ, hình ảnh, ý tứ… Trong cuộc thi này, ta bắt gặp khá nhiều bài có tứ thơ độc đáo. Trong bài Gồng gánh, Hà Kiều My đã diễn tả rất hay hình ảnh tảo tần của người mẹ gánh hàng rong kiếm tiền nuôi con ăn học: “Gầy đôi vai / Mẹ gánh đêm quành qua từng phố nhỏ (…) Con phố ngoái đầu theo bóng mẹ / Hun hút…”. Tác giả đã dùng thủ pháp đảo ngữ “Gầy đôi vai”, thủ pháp nhân hóa “con phố ngoái đầu” và cách kết hợp từ mới lạ “Mẹ gánh đêm”. Bài thơ không chỉ hay ở câu chữ mà còn thấm đẫm ý nghĩa nhân văn. Bởi vậy, trung thành với “hiện thực” không nhất thiết phải cứ diễn đạt nôm na, vần vè. Người ta thưởng thức thơ là thưởng thức tài nghệ của tác giả. Cái tài ấy được thể hiện qua sự sáng tạo ngôn từ. Những bài thơ có cách diễn đạt mới lạ thường được đánh giá cao. Có thể dẫn ra một vài ví dụ về cách diễn đạt sáng tạo của các tác giả trong cuộc thi: “Em đi dưới bóng dừa xanh / Nghìn con mắt lá trên cành xôn xao / Xé mây làm dải lụa đào / Buộc bao mơ ước gửi vào mắt xanh” (Thần tượng – Vũ Hoàng Giang). Hoặc: “Dấu xưa gõ ngoằn ngoèo ký ức / Tóc rẽ chiêm bao ngỡ cỏ xanh” (Người ngồi trên xe ngựa – Hoàng Ngọc Anh). Đến với thơ là đến với cuộc chơi chữ nghĩa nên không ai thô thiển đến mức bắt bẻ các chi tiết “xé mây”, “tóc rẽ chiêm bao”…
Đến với tập thơ Vọng làng do Hội LH VHNT Phú Yên xuất bản, nhiều bạn có mong muốn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất và người Phú Yên trong văn học. Con sông Đà Rằng được các thi sĩ tô điểm bằng những sắc màu rực rỡ: “Ta ở cuối dòng sông đầy nhan sắc / Trăng rùng mình mấy nhịp hỡi đò / Xưa đặt tên Đà Rằng nao nức sóng / Lời sông Ba phóng khoáng bao giờ” (Lời núi – Trần Văn Lan). Còn đối với Ma Joan, sông Ba không chỉ mang vẻ đẹp cổ tích mà còn mang vẻ đẹp hiện đại, không chỉ tô điểm vẻ đẹp thiên nhiên mà còn thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tỉnh nhà: “Chiều trên sông Ba Hạ / Hoàng hôn nhũ buông / Chợt đất trời phát quang / - Kỳ thạch / - Em / - Dòng sông / Hay lưới điện hòa nguồn ?…”. Trong tập thơ, ta còn bắt gặp một “miền Trung nhuần hậu” trong thơ Đào Đức Tuấn, một làng cổ ven sông Chùa của Lê Anh hay một thị trấn Phú Thứ sầm uất trong thơ Hoài Niệm. Ta cũng bắt gặp một Phú Yên anh dũng kiên cường trong thơ của Bằng Tín, Trần Tử Minh, Thạch Bi Sơn, Trần Văn Phú… Và còn nhiều nữa, mỗi người tô điểm cho vẻ đẹp quê hương theo một cách khác nhau.
Bài thơ đoạt giải Nhất cuộc thi này là Vọng làng của Đào Tấn Trực. Tác phẩm mang vẻ đẹp hài hòa cả về nội dung lẫn hình thức. Tác giả sử dụng thể lục bát truyền thống để diễn tả nỗi lòng hoài vọng quê xưa. “Có đi về phía con đường / Mới xa xóm vắng, mới thương quê nghèo”. Hình ảnh “con đường” mang tính biểu trưng chỉ việc đi xa, cũng như Chế Lan Viên đã từng dùng hình ảnh con tàu để thể hiện khát vọng lên Tây Bắc. Hành trang ra đi của chàng trai 17 tuổi là những lời mẹ ru cùng những cảnh vật quê hương: “Nằm nghe con sóng quê nhà / Một vùng ký ức khói là là bay / Trăng nghiêng xuống ngọn tre gầy / Rạ rơm sương khói quyện đầy lời ru”. Tác giả đã dùng những hình ảnh đẹp để diễn tả những kỷ niệm đẹp mà bây giờ chỉ còn là quá khứ: “Mẹ giờ đã hóa mùa thu / Câu ca dao cũ hình như lỡ làng”. Mùa thu lá rụng, kết thúc một chu kỳ sinh trưởng, mẹ giờ đã đi vào lòng đất, không còn cất giọng ru con. Người bạn gái năm nào cũng đã sang ngang (“Em toan tính chuyện bước qua lời nguyền”). Câu hát xưa của mẹ và cả người yêu đều đã “lỡ làng”. Biết vậy, nhưng chàng trai vẫn trở về chốn cũ: “Huơ bàn tay gọi đò sang / Chở tôi về dưới cổng làng ngày xưa”. Dĩ nhiên, ta biết đây chỉ là cuộc hành trình trong tâm tưởng. Và cả con đò, cổng làng cũng chỉ mang tính biểu trưng chỉ những hình ảnh thân quen trong đời sống dân tộc xưa nay. Không phải ngẫu nhiên mà Ban biên tập đặt tên cho tập thơ là Vọng làng. Đây là một nhan đề hay, có cách kết hợp từ mới mẻ và mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện niềm yêu quý những giá trị truyền thống. Nhan đề khái quát được phần nào tinh thần chung của cả tập thơ: hiện đại về hình thức nghệ thuật mà vẫn thấm đẫm những nội dung mang tính dân tộc. Tức là thể hiện đúng tinh thần phấn đấu cho một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
.
TS PHẠM NGỌC HIỀN

Ý KIẾN TRAO ĐỔI

Ý KIẾN CỦA NHÀ VĂN HẢI SƠN
XIN ĐỪNG PHÁN XÉT VÔ TÂM

Ở Phú Yên có nhiều mẫu chuyện văn chương tầm phào, vô bổ , nhắc đến cười ra nước mắt . Trước đây có các bài thơ “ Ông già ” của Thanh Quế , “ Ngọn cỏ tịch điền ” của Trần sĩ Huệ, tiếp theo “ Nếu không muốn đi hết một con đường ”của Nguyễn Phong Việt tất cả đều đem ra phán xét là những bài thơ có vấn đề về “ chính trị ” . Rồi vụ việc cũng được các cơ quan chức năng vào cuộc, thẩm định đi đến kết luận không có vấn đề gì . Nhưng trước khi kết thúc nghi án văn chương của thơ ca, có không ít chuyện nổi đình, nổi đám, tốn bao giấy mực giới văn nghệ sĩ, làm nản lòng những người cầm bút nhiệt huyết của Phú Yên .
Gần đây một sáng mùa xuân, tôi mở email nhận được bức thư của bác Nguyễn Kiến Thiết ( Tức Bảo Nhân )ở Phường 9 – TP Tuy Hoà, nội dung khen chê bài thơ lục bát “ Vọng Làng ” của tác giả Đào Tấn Trực đoạt giải nhất cuộc thi thơ của Phú Yên năm 2008.Thật ra ở đây, tôi chưa nói đến nội dung bài thơ hay-dở , chỉ nói ở khía cạnh nhân tình và pháp lý trong văn chương. Không biết bác Bảo Nhân có thành kiến gì với Đào Tấn Trực hay không ? Hoặc giả bác có cho rằng Hội đồng chấm giải chung kết cuộc thi thơ chưa thật sự sáng suốt thi cũng không nên xoi mói chuyện vặt vãnh bằng hành động gửi thư khắp nơi, gây tác động tâm lý hậu phán xét, gây phản cảm dư luận. Bác làm như thế được gì ? Trong khi cuộc thi thơ đã kết thúc . Giải đã trao, công luận cũng đã đón nhận . Mọi vấn đề gì đều phải tôn trọng sự thật khách quan . Những năm trước đây các cuộc thi thơ, truyện ngắn của Phú Yên đều do các nhà thơ, nhà văn Phú Yên chấm giải. sau đó có nhiều ý kiến lời ra, lời vào cho rằng họ chấm theo tác giả chứ không theo nội dung sáng tác. Nói gì thì nói cuối cùng cũng phải chấp nhận, tôn trọng hội đồng. Chính vì thế nên cuộc thi thơ lần này Hội liên hiệp VHNT Phú Yên đã chủ động mời nhà văn, nhà thơ của hai tỉnh bạn là Bình Định và Khánh Hoà tham gia hội đồng chung khảo. Hổng lẽ họ cũng chấm theo tác giả nữa sao .
Trong lời thư của bác Nhân nói rằng một số thi hữu Phú Yên ý kiến “ Bài thơ này mà nhất thơ 2008 thì vô tình hạ thấp (chưa đến nỗi hạ nhục ) vùng thơ đất Phú ...” Theo thiển ý của tôi, đây chỉ là suy nghĩ nông cạn của bác. Tôi chưa nghe nhà thơ nào của Phú yên phản ảnh như thế . Nếu có ai đó thì họ là những người vô tâm, tự chửi vào mặt mình . Một bài thơ hay hoặc dở của một cuộc thi đâu có ảnh hưởng gì đến vùng thơ đất Phú . Vô hình dung đi đánh đồng một bài thơ với cả vùng thơ thì thử hỏi các nhà văn, nhà thơ và những người yêu thơ chân chính của Phú Yên khộng sỉ nhục là gì ?Xin nhắc lại đôi điều về nội dung bài thơ giải nhất . “ Vọng làng ” sáng tác theo thể lục bát, gồm 18 câu . Tác giả hoài niệm ,ký ức về quê hương đồng nội. Tuổi thơ tuyệt đẹp, êm đềm. Chuyện quá khứ có chút ray rứt, nhớ nhung. Đối với câu từ, cú pháp gọn gẽ, hợp lý bao hết hàm ý, trọn vẹn tính nhân văn. Chất thơ đầy tính văn học. Có bốn câu thơ cuối bác Bảo Nhân chê tác giả tự “ đốt lưới nhà ”. “ Mẹ giờ đã hoá mùa thu . Câu ca dao cũ hình như lỡ làng ”. Ông cho rằng ca dao dù có lâu đời đi chăng nữa cũng không bao giờ cũ . Rồi viện dẫn hai câu “ Công cha như núi thái sơn . Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra ”đi đến phân tích kết luận “không lẽ những hoài niệm, có cha sinh mẹ dưỡng đầy ắp kỷ niệm bây giờ lại lỡ làng sao ? Không lẽ trong cơ chế thị trường thì những lời giáo huấn cho con cháu phải biết đến công sinh thành cha mẹ lại lỗi thời ư ? ”.Xin thưa với bác Nhân rằng có lẽ bác đã hiểu nhầm ý của tác giả về hai câu thơ này. Ca dao cũ ngày xưa mẹ dạy cho con rất nhiều câu, đủ mọi lĩnh vực, chứ không phải như hai câu bác đã dẫn chứng. Chính vì lẽ đó khi tác giả trưởng thành vào đời, còn có nhiều điều thực hiện chưa được trọn vẹn, nên còn ray rứt khi người mẹ đã khuất. Những câu ca dao răn dạy của mẹ ngày xưa, tác giả liên tưởng “hình như lỡ làng ” nhằm mục đích xác nhận lỗi lầm, ân hận điều chưa làm được để tạ lỗi với mẹ . Còn hai câu cuối tiếp theo “ Huơ bàn tay gọi đò sang. Chở tôi về dưới cổng làng ngày xưa ”. Bác Nhân cho rằng thơ tả không thực. Ở Phú Yên làm gì có cổng làng . Tác giả chỉ là con mọt sách . Ông bảo phải ra tận miền bắc mới có cổng làng thực tế . Nói như bác thì thơ ca sáng tác hay làm sao được. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ nhiều nhà văn, nhà thơ đâu có ra trận, chỉ nghe người thân, người yêu, đồng đội kể lại rồi hình dung cảnh vật, diễn biến họ vẫn sáng tác nhiều tác phẩm hay, để đời đâu phải nhất thiết phải có cổng làng thật thơ mới hay như bác nói . Còn nữa ! Bác khẳng định rằng ở Phú Yên không có cổng làng là không đúng . Đến các thôn, buôn trên toàn tỉnh nơi nào cũng có cổng làng hẳn hoi . Cổng để bản hiệu đề chữ : Thôn, buôn văn hoá .... Mặc dù nó không được xây dựng bằng gạch, vòm mái lá hoành tráng như miền bắc, nhưng chúng ta cũng phân biệt được đường vào thôn, buôn bằng chiếc cổng tượng trưng trên có lá quốc kỳ, sao bác mơ hồ đến thế. Nếu có nhìn nhận điều hãy cẩn trọng.Đầu năm mãn phép tản mạn đôi dòng về câu chuyện văn chương . Thơ ca cốt để làm trong sạch tâm hồn . Xin đừng phán xét vô tâm, điều không cần thiết .

Ý KIẾN TRAO ĐỔI

Thưa Quý người đọc! Trong mục Có người muốn xin "góp ý", nghesisonson có bost thư ông Nguyễn Kiến Thiết có ý kiến về bài thơ "Vọng làng" của Đào Tấn Trực (giải I thơ Phú Yên 2008). Thể theo nguyện vọng "xin góp ý" của ông NKT, nhà thơ Phùng Hi có bài trao đổi sau đây. Xin thưa trước, đây chỉ là một cuộc trao đổi-tranh luận ôn hoà và thẳng thắn về văn nghệ, ngoài ra không có mục đích gì khác.

TRAO ĐỔI VỚI ÔNG NGUYỄN KIẾN THIẾT VỀ BÀI THƠ “VỌNG LÀNG”
Phùng Hi
Mọi mặt của đời sống đều cần một sự phản biện (The analysis of action ), văn học nghệ thuật tất không nằm ngoài qui luật đó. Xây dựng một xã hội phản biện (Reactionary social action) luôn là yêu cầu bức thiết đặt ra với cộng đồng, xưa và nay.
Ông Nguyễn Kiến Thiết (NKT) không đồng ý với Hội Văn học - Nghệ thuật Phú Yên trao giải nhất cho bài thơ “Vọng làng” của tác giả Đào Tấn Trực, qua đó ông chỉ ra trong bài thơ có nhiều chỗ ông không vừa ý. Trước tiên bạn thơ tỉnh nhà xin cảm ơn ý kiến của ông, sau xin phép ông cho tôi được trao đổi đôi điều:
1. NKT cho rằng “Vọng làng” không xứng đáng giải nhất cuộc thi thơ năm 2008 do Hội cựu học sinh Phú Yên kết hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tổ chức. Vâng! Không ai ngăn cản sự phản biện của cá nhân ông. Nhưng để thuyết phục chí ít ông phải chỉ ra đôi bài thơ, đôi câu thơ ông cho là hay hơn “Vọng làng”, trên cùng chủ đề: Quê hương - Mẹ - Kí ức. Đằng này ông viết khơi khơi: “Ý tưởng này là ý hay nên đã có hàng ngàn bài thơ khai thác đề tài này. Điều này dễ gây cho độc giả sự hiểu lầm là tác giả đạo thơ”. Vu vơ hết chỗ nói. Xin ông đọc kỹ bài tổng kết về cuộc thi thơ của Chủ tịch hội Đào Minh Hiệp, để nắm rõ tiêu chí chấm thơ của Hội đồng giám khảo.
2. Có vẻ ông NKT chưa có kinh nghiệm phản biện và cũng chưa đủ “năng lượng chữ” nên không định hình được ý kiến của mình, hay còn gọi là lực bất tòng tâm. Ông bảo tác giả Đào Tấn Trực “tự đốt lưới nhà”. Hết bài viết, không thấy ông lí giải cái thuật ngữ bóng đá này, ám chỉ chỗ nào trong “Vọng làng”. Ông khẳng định câu ca dao cũ mà tác giả nhắc đến, chính là câu: “Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Độc giả hãy xem NKT trích ca dao của dân tộc ta như vậy đấy, có mấy lỗi chính tả nhỉ? Xin ông đến thư viện mượn “Ca dao, tục ngữ” về đọc để làm vốn, chứ nhớ mỗi câu trên rồi qui cho tác giả quên công ơn sinh thành của cha mẹ, qua hai câu thơ rất nhân văn và đầy chất thơ của “Vọng làng”: “Mẹ giờ đã hóa mùa thu / Câu ca dao cũ hình như lỡ làng”, thì buồn cười thật đấy. Kết cho ông cái tội ưa qui chụp kẻ khác chắc là không ngoa tí nào. Ông còn nói: “…ca dao dù có ra đời lâu nhưng không bao giờ cũ”. Vâng, đó là ý kiến của ông. Tôi chỉ xin ví dụ: Tôi yêu một cô bạn xinh đẹp, được một năm thì chia tay. Tôi bảo: “Đó là người yêu cũ của tôi, tình cũ của tôi”. Trên thực tế cô ấy vẫn xinh đẹp như ngày nào, có cũ chút nào đâu, chỉ là cũ đối với tôi thôi. Đào Tấn Trực viết: “Câu ca dao cũ hình như lỡ làng”, đó là cách nói thơ, cách nói hình tượng. Ông có làm thơ, dù chưa hay, nhưng thủ pháp tối thiểu vậy, thiết tưởng không cần phải thêm.
3. Tác giả Đào Tấn Trực kết thúc bài thơ bằng hai câu lục bát nhiều hoài niệm thưở thiếu thời: “Hươ bàn tay gọi đò sang / Chở tôi về dưới cổng làng ngày xưa …”. NKT bảo: “… quê ta không hề có cổng làng. Cái cổng làng của tác giả chỉ là hình ảnh của cậu học trò mọt sách viết theo sách giáo khoa xưa”. Trước hết xin ông nhớ rằng bất kì người Việt nào, trong Nam ngoài Bắc kể cả Việt kiều, trong tiềm thức đều ghi dấu cái cổng làng. Chẳng lẽ trong ông quên mất cổng làng, quên mất nguồn cội? Một thời đi mở nước của cha anh, ông cũng quên tuốt rồi sao? Chẳng lẽ nhà văn, nhà thơ sống ở nơi không có “cây đa sân đình” thì khi viết, không được nhắc đến “cây đa sân đình”? Chưa hết, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng thôn văn hóa, khu phố văn hóa; đi vào làng qua cái cổng ghi: “THÔN VĂN HÓA …”, đấy không phải cổng làng ư? Ông bảo tác giả “viết theo sách giáo khoa xưa”. Chết, chết, sách giáo khoa nay thì không có cổng làng à? Nguy hiểm quá.
Xin trao đổi với ông đôi điều như vậy. Mong ông và bạn đọc bình tĩnh suy xét trước sau để có những nhận định thấu tình đạt lí.

Đ.C: Nguyễn Phi Hùng, GV trường THPT Trần Quốc Tuấn.
Huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. ĐT: 0905612284. Email:phunghi2@gmail.com
Trích dẫn (0)

Ý KIẾN TRAO ĐỔI

Người gửi: Nguyễn Kiến Thiết Tuy Hòa, ngày 09 tháng 02 năm 2009
(Cán bộ hưu trí, hiện ở KP 3
Ninh Tịnh, P.9, TP Tuy Hòa)

Kính gửi: -Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên (Hộp thơ khán giả)
-Báo Phú Yên (Ban bạn đọc)
Đồng kính gửi: -Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Phú Yên.
Nhân đọc tác phẩm dự thi cuộc thi thơ 2008 với bài “Vọng làng” của tác giả Đào Tấn Trực, có nhiều chỗ tôi chưa thông hiểu, vì không có điều kiện gặp tác giả nên nhờ quí cơ quan giúp đỡ, chuyển hộ ý kiến của tôi cũng là ý chung của thi hữu Tỉnh nhà để nhờ tác giả giải thích:
1.Theo tôi hiểu thì nội dung bài thơ là ý tác giả muốn thể hiện hoài niệm tuổi thơ của mình về quê nhà đồng nội (ý tưởng này là ý hay nên đã có hàng ngàn bài thơ khai thác đề tài này. Điều này dễ gây cho độc giả sự hiểu lầm là tác giả đạo thơ. Theo tôi thì tác giả là nhà giáo dạy văn thuộc rất nhiều thơ nên khi sáng tác có khi bị lậm thơ, cũng không nên trách cứ chỉ cần hay là được).
ý tưởng đẹp đẽ của tác giả đã thể hiện rất rõ qua phần đầu từ câu 1 đến câu 15. Đến ba câu cuối tác giả đã tự “đốt lưới nhà”, phản đề phần đầu:
“Câu ca dao cũ hình như lỡ làng” (câu 16)
Xin hỏi tác giả câu ca dao cũ là câu gì?
-Đi sau câu “Mẹ giờ đã hóa mùa thu”
Chắc chắn là câu: “Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Là thầy dạy văn chắc tác giả rất rõ là ca dao dù có ra đời lâu nhưng không bao giờ cũ. Tác giả khát khao hoài niệm tuổi thơ nơi đồng nội có cha sinh mẹ dưỡng, đầy ắp kỷ niệm êm đềm, bây giờ sao lại “lỡ làng”. Không lẽ trong cơ chế thị trường thì những lời giáo huấn con cháu phải biết đền ơn công sinh thành cha mẹ lại lỗi thời sao?
2.Hai câu cuối:
“Huơ bàn tay gọi đò sang,
Chở tôi về dưới cổng làng ngày xưa”.
Thưa tác giả chắc không lái đò nào có thể chở tác giả ra tận miền Bắc, xa quá tác giả ơi! Xin nhắc nhà thơ, nhà giáo là ở quê ta không hề có cổng làng. Cái cổng làng của tác giả chỉ là hình ảnh của cậu học trò mọt sách viết theo sách giáo khoa xưa. ở đây là một bài thơ nhất là bài thơ hoài niệm thì hình ảnh đồng quê phải thực phải sống; nếu hư cấu cường điệu thì tự làm mất giá trị mất cái hồn của bài thơ.
Sau khi nghe đài thông báo bài thơ “Vọng Làng” đăng quang Thơ Trạng 2008 quê nhà, nhiều thi hữu gặp tôi chỉ biết lắc đầu nói nhỏ:
-“Bài này mà nhất thơ 2008 thì vô tình hạ thấp (chưa đến nỗi hạ nhục) vùng thơ đất Phú, nơi có truyền thống yêu thơ, đã có phong trào thơ sôi nổi, sống với thơ hơn mấy mươi mùa nguyên tiêu quí giá”.
Rất mong nhận được lời giải thông của tác giả.
Xin cảm ơn quí cơ quan đã giúp đỡ.
Nguyễn Kiến Thiết
Bản sao kính gửi: Các bạn thơ Tỉnh nhà “để xin góp ý”

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2009

HƯƠNG VỊ QUÊ NHÀ


BÁNH TRÁNG HOÀ ĐA
Bánh tráng là một món ăn khá phổ biến của người Việt Nam từ xưa đến nay. Ở Phú Yên, món bánh tráng trở nên gần gũi với tất cả mọi người hơn bao giờ hết. Nó gắn với đời sống, đi vào văn hoá ẩm thực, không thể thiếu trong trong những lần nhà có đám tiệc…
Phú Yên có nhiều làng bánh tráng nổi tiếng nhưng ngon nhất phải kể đến bánh tráng Hoà Đa. Có lẽ người làm bánh có bí quyết gia truyền, kinh nghiệm riêng nên sản phẩm của họ làm ra hết sức độc đáo, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Chính vì thế, nơi đây có khoảng 20% hộ gia đình chọn nghề làm bánh tráng để mưa sinh. Bánh tráng Hoà Đa đã thành thương hiệu. Từ các làng quê, mỗi sáng bánh tráng theo những chuyến xe ra bắc vào nam.
Bánh tráng được làm từ bột gạo. Các công đoạn làm bánh thật đơn giản song cũng khá nhọc nhằn… Sau khi phơi khô, bánh được xếp thành từng chồng, bọc gói cẩn thận và có thể ăn bất cứ lúc nào. Bánh tráng ngon là loại bánh dày vừa, đều khổ, tốt nắng, nướng ăn thơm, nhúng nước không dính.
Ở Hoà Đa, bánh tráng đã trở thành món đặc sản. Mỗi sáng, các quán hai bên đường quốc lộ tấp nập khách Bắc Trung Nam. Bánh nhúng nước cuốn với thịt heo đùi luộc và rau sống tươi chấm nước mắn nhỉ làng Yến được coi là thượng sách. Một bữa ăn ngon phải hội tụ nhiều yếu tố. Mâm bánh tráng dọn lên đẹp mắt, hài hoà: dĩa thịt heo luộc mịn màng, trắng tinh; rau sống xanh tươi đủ loại; chén mắm nhỉ sóng sánh thơm ngon; dĩa ớt rừng xanh ngắt. Ăn kèm bánh tráng thịt heo cũng còn có các món khác như bánh hỏi, cháo lòng nếu bạn thích. Điều đáng nói ở đây là tất cả các món trong bữa ăn đều do bàn tay của con người nơi đây làm ra cho nên bữa ăn có mang hương vị rất riêng của một vùng đất. Món bánh vừa nhanh, tiện vừa gọn lại chất lượng cực kì. Người không ăn cơm nhưng trong bụng vẫn dảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cần thiết.
Bánh tráng Hoà Đa được coi như một món quà dân dã. Người nông thôn bọc gói cẩn thận làm quà biếu tặng cho người thân của mình để thể hiện tình cảm, ơn nghĩa. Nó đơn giản thế nhưng giá trị lại nặng nghĩa tình. Bánh tráng cũng được làm quà mang đi xa, nhất là với những cô cậu sinh viên trọ học xa nhà. Bánh tráng Phú Yên ra Huế, Đà Nẵng vào Sài Gòn như một món quà quê góp phần động viên tinh thần của những đứa con đi xa cố gắng học hành, làm ăn…
Đối với người Phú Yên, bánh tráng Hoà Đa đã trở thành đặc sản, gây dấu ấn của một vùng quê nghèo nằm lọt thỏm giữa miền trung. Ai muốn thử món bánh quê tôi xin mời dừng chân ghé về thôn Hoà Đa trên đường quốc lộ 1A (cách TP Tuy Hoà chừng 14 km về hướng Bắc), bạn sẽ có một bữa ăn ngon lành như ý.


TUY AN

Thứ Hai, 2 tháng 3, 2009

BÀI CỦA BẠN BÈ

CHÍ PHÈO CÓ PHẢI LÀ CON RƠI CỦA BÁ KIẾN ?
.
Một kiệt tác văn học thường được bạn đọc giải mã theo nhiều cách khác nhau. Sự đa dạng trong cách tiếp nhận là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên sức sống của tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ Nam Cao cũng không muốn truyện ngắn “Chí Phèo” chịu an phận trong một cách hiểu duy nhất. Lâu nay, nhiều người thường cho rằng Bá Kiến và Chí Phèo thuộc hai giai cấp đối kháng nhau: thống trị và bị trị, ngoài quan hệ chủ tớ ra thì không có mối quan hệ nào khác. Tuy nhiên cũng có người cho rằng: Chí Phèo là con rơi của Bá Kiến. Không cần phải về làng Vũ Đại điều tra lai lịch Chí Phèo, chỉ cần bám vào văn bản tác phẩm, ta cũng tìm được ít nhất ba chứng cứ sau để kết luận điều đó.
Một là: Bá Kiến là người háo sắc. Chỉ riêng về vợ đã có “bà cả, bà hai, bà ba, bà tư “. Ngoài ra còn phải kể đến những mối quan hệ lăng nhăng với các phụ nữ khác, như vợ của Binh Chức chẳng hạn. Và biết đâu trong số những người đàn bà đã từng ăn nằm với Bá Kiến có người đã mang thai với hắn. Để tránh dư luận xóm làng, người đó đã mang đứa trẻ sơ sinh ra bỏ lò gạch. Và như thế, một Chí Phèo ra đời.
Hai là: Trong lúc Chí Phèo rạch mặt đòi ăn vạ vì bị Lý Cường đánh thì Bá Kiến về tới nhà và hiểu ra cơ sự. Bá Kiến dìu Chí vào nhà và nói với giọng thân mật: “Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy”. Lâu nay, mọi người hiểu rằng, đó là thủ đoạn “mềm nắn rắn buông” của Bá Kiến. Tức là bịa ra chỗ “bà con ruột rà” để xoa dịu sự phản kháng của Chí Phèo. Nhưng biết đâu mối quan hệ máu mủ đó là sự thật: Chí Phèo và Lý Cường là hai anh em cùng cha khác mẹ (!) .
Thứ ba: Chí Phèo ngày xưa được coi như là người nhà của Bá Kiến và Chí được “quyền thu quyền bổ trong nhà tin cẩn”. Sở dĩ Chí được ưu ái như vậy là vì Bá Kiến cũng có chút tình cảm thầm kín với đứa con rơi vô thừa nhận. Sau khi ở tù về, Chí Phèo được Bá Kiến cho vườn và nhà. Mọi người nghĩ rằng: Bá Kiến cho tiền Chí là để biến anh ta thành tay chân đâm thuê chém mướn cho hắn. Nhưng thật ra, trong cái làng Vũ Đại nhỏ bé này, lâu lâu chỉ được vài vụ là phải dùng đến con dao của Chí Phèo. Món lời không được bao nhiêu mà phải cấp tiền cho Chí Phèo ăn nhậu hơn mười năm trời quả không phải là diệu kế của Bá Kiến. Trong ngần ấy năm chí Phèo không lao động mà vẫn nhận được sự viện trợ về tài chính từ Bá Kiến. Bất đắc dĩ Bá Kiến phải nuôi một thằng con rơi hư hỏng. Nhiều lúc cũng tận dụng tính liều lĩnh của con nhưng cũng không muốn con quá hư hỏng lười biếng để tạo gánh nặng cho mình. Trong đoạn cuối tác phẩm, Bá Kiến nói: “Rồi mà làm ăn chứ cứ báo người ta mãi à?”, “tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ”. Đó là những mong muốn sự thật của Bá Kiến. Nhưng Chí Phèo đã xông tới quá nhanh đến mức Bá Kiến không kịp nói lên sự thật máu mủ. Và cũng là nhờ chưa biết mối quan hệ đó nên hành động của Chí Phèo không được coi là trái với đạo lý.
Ngoài ra, truyện “Chí Phèo” còn có nhiều chi tiết “lấp lửng” khó hiểu nữa. Chẳng hạn, Chí Phèo đi tù vì lý do gì ? Theo lời đồn thì “chí bị người ta giải huyện” là vì tội “lấy trộm tiền trộm thóc nhiều”. Có thể Chí Phèo chỉ bị ở tù vài năm rồi sau khi ra tù đi đâu đó “biệt tăm”, việc đó không liên quan gì tới Bá Kiến. Nhưng tại sao Bá Kiến lại không bào chữa cho đứa con rơi để Chí khỏi bị vào tù ? Có thể Bá Kiến cũng như nhiều người cha khác không muốn sống chung với thằng con trộm cắp hư hỏng. Vào tù, nó sẽ được cải tạo để trở nên tốt hơn. Sự có mặt của Chí Phèo trong nhà sẽ làm đổ vỡ hạnh phúc của gia đình cụ Bá. Nhất là Bá Kiến không muốn chứng kiến mối quan hệ mà ông cho là loạn luân giữa Chí với bà Ba vợ ông. Để Chí Phèo ra đi cũng có nghĩa là xoá đi dấu vết của mối quan hệ bất chính giữa ông và mẹ Chí Phèo. Chí đi tù, Bá Kiến trút được tất cả nỗi lo. Vả lại, theo lời Chí “ở tù sướng quá (…) có cơm để mà ăn” thì việc gì phải lo cho nó.
Có người sẽ băn khoăn đặt câu hỏi: Vậy, liệu Nam Cao có nghĩ tới mối quan hệ cha con giữa Bá Kiến và Chí Phèo không ? Việc đó không quan trọng, bởi tác phẩm văn học là một thực thể tồn tại độc lập. Bạn đọc căn cứ vào bản thân câu chữ trong tác phẩm, có quyền suy luận theo những hướng khác nhau, miễn là có chứng cứ thiết thực. Là một nhà văn tài năng, có lẽ Nam Cao cũng cùng quan điểm sau đây của một nhà lý luận văn học phương Tây : “Một tác phẩm chỉ tồn tại lâu dài khi nó có thể xuất hiện khác hẳn khuôn mặt mà tác giả đã tạo ra cho nó”.
PHẠM NGỌC HIỀN