Thứ Tư, 28 tháng 1, 2009

THƠ ĐÀO TẤN TRỰC


ĐI CHÙA ĐẦU NĂM

Lưa thưa mưa bụi đầu mùa
Em nghiêng nón cỏ lên chùa đầu năm
Dáng xuân khơi ngọn lửa lòng
Em đi gửu lại trăng rằm tuổi thơ

Ngày anh áo mới đợi chờ
Xênh xang áo tím em vờ không hay
Năm qua đi… tháng ngày dài
Đường xa tít tắp còn hoài đam mê

Tay tôi hứng giọt mưa khuya
Mà nghe chim hót bộn bề xuân sang
dưới hiên còn một nụ vàng
Mình anh lễ phật vội vàng em ơi.

Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2009

TẢN VĂN CỦA ĐÀO TẤN TRỰC


CON TRÂU VỚI ĐỜI NGƯỜI

Con trâu gắn với đời sống sinh hoạt của con người, đặc biệt là người dân thuộc vùng văn minh nông nghiệp lúa nước.
Ở Việt Nam, có thể nói, không một người nào không biết đến con trâu.
Hình ảnh con trâu không xa lạ, nó trở nên gần gũi quen thuộc với con người. Trâu tập trung nhiều nhất ở hai vùng đồng bằng lớn, song hầu như trên khắp các vùng nông thôn ở đất nước ta, nơi nào cũng có sự hiện diện của con vật gần gũi quen thuộc này.
Trong nông nghiệp, trâu giúp người dân làm giàu thêm lúa gạo, nếu không giàu chi ít ra họ cũng đủ ăn. Trâu đảm nhận công việc đồng áng như một sự cộng tác đắc lực trung thành cho con người. Con trâu được xem là đầu cơ nghiệp: kéo cày, bừa, đạp lúa, kéo xe…. Cho nên, người nông dân sợ không có tiền sắm trâu chứ không sợ khổ vì trâu. Họ xem tậu trâu là một trong ba mốc quan trọng trong cuộc đời (tậu trâu cưới vợ làm nhà). Cuôc sống “đúng nghĩa” của người nông dân trước hết phải có con trâu. Có con trâu làm vốn rồi sau đó mới tính đến sự làm ăn no đủ, vững chắc, yên bình. Nếu như nói con chó có nghĩa với con người thì con trâu thật xứng đáng với cái ơn có đức cho nhà nông. Cái đức đó thể hiện ở sự tương quan giữa vật nuôi và chủ, giữa mối quan hệ sinh tồn không tách rời của vạn vật trong vũ trụ. Nhà nông gắn liền với cỏ, với trâu. Cỏ cần thiết cho sự sống của trâu cũng như lúa cần thiết cho sự sống con người. Trâu và ta làm việc cật lực mới có miếng ăn no ấm. Dù bát cơm hay cọng cỏ cũng đều biểu thị cho một quá trình đạt thành quả lao động khó khăn. Vì vậy, khi nói đến cỏ là sao ta quên trâu, ngược lại nhìn đến trâu ta phải biết trân trọng những cái gì gọi là cỏ khô, rơm rác.
Trâu gắn với đời sống kinh tế, song trâu cũng tham gia ra trận, đánh giặc giữ nước. Điều đó được ghi bằng những trang sử vẻ vang của dân tộc qua các thời kì. Sách Địa chí Hà Bắc-1982 có ghi về cuộc khởi nghĩa của nông dân chống lại triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Tự Đức. Năm 1870, Gáp Văn Trận, người vùng Yên Thế dùng trâu cày trong làng mở cuộc xung trận chống lại triều đình. Nhờ vào thế mạnh chưa từng có, nghĩa quân Giáp văn Trận đã dành được nhiều thắng lợi vang dội… Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở cuối thế kỉ XIX, nhân dân Nam Kì lại chứng kiến cảnh Thiên hộ Võ Duy Dương ở đồng Tháp Mười cưỡi trâu ra trận. Ông dùng tiếng mõ điều khiển, trâu biết vâng lời theo lời chủ tướng. Những lúc xông trận, trâu biết lao thẳng, quật ngã kẻ thù trước khi nó ngã xuống… Đến thời kì chống Mỹ, người dân Thừa Thiên đã từng chứng kiến và tự hào với tấm gương chị Nguyễn Thị Lài cùng một số người dân lùa trâu lên đường cản trở đoàn xe Mĩ. Nhân cơ hội đó, chị dùng mìn và lựu đạn đánh thẳng vào xe ban chỉ huy tuỳ tùng, tiêu diệt gọn bon lính Mĩ…. Như vậy, cùng với ngựa, voi, trâu đã đứng vào hàng ngũ binh chủng trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, con trâu còn là biểu tượng cho sự yên bình ấm no hạnh phúc của một làng quê Việt. Hình ảnh con trâu trên thảm cỏ, ruộng lúa bề đê đã đi vào kí ức của biết bao thế hệ. Ngày mùa, trâu kéo cày. Ngày mùa, trâu thong thả ra đồng rồi lững thững về nhà lúc chiều buông xuống, chúng đứng đưới luỹ tre êm ả, dưới gốc duối gọi gió ầu ơ nhai cỏ tận hưởng sự hạnh phúc yên bình. Con trâu trở thành người bạn thân thiết, thành tâm điểm trong trí nhớ của một thời chăn đốt lửa, cắt cỏ xa xôi. Ai cũng có một điểm xuất phát, một mái nhà; ai cũng bưng bát cơm ăn và thầm biết ơn hạt ngọc của nhà trời. Điều đó, do đâu mà có! Rồi có biết bao con người là hèn sang danh vọng, thấp cao may rủi ở đời ra đi, thành công từ luỹ tre làng… Có lẽ tất cả đều được bắt nguồn, đền đáp sau mỗi bước chân trâu. Bây giờ dù có đi xa về không gian thời gian, ta vẫn nhớ về nơi đó như một kỉ niệm không thể nào quên.
Với đời sống tinh thần, con trâu càng trở nên thân thuộc. Trong số 12 con vật chọn làm 12 con giáp biểu trưng cho năm tháng và tuổi tác con người ở đời, trâu là một trong những con vật gần gũi thân thiết nhất. Những người mang tuổi trâu thường có sức mạnh phi thường, có cá tính riêng, cần cù và chăm chỉ. Dù trời mưa to hay nắng cháy vẫn lầm lũi hiền từ, vẫn trung thành đến nhẫn nại. Con trâu to lớn nhưng nó không hung hăng độc ác, làm nhiều việc nặng nhọc song cũng không đòi hỏi hay cần một sự trả ơn nào ở đời. Người cầm tinh tuổi Sửu thường gặp may mắn và hạnh phúc trong cuộc đời.
Có lẽ cũng bắt nguồn từ nền nông nghiệp lúa nước nên hình tượng con trâu xuất hiện khá nhiều trong văn học Việt Nam, nhất là trong văn học dân gian. Tác giả dân gian mượn hình ảnh con trâu để nói lên bao điều trong cuộc sống. Chẳng hạng để chỉ những người hay sai lầm trong cuộc sống nhưng không biết ăn năng hối cãi, tìm cách khắc phục mà vẫn có tính bảo thủ bao che cái sai, dân gian đã dùng thành ngữ Trâu lấm vẫy càng để phê phán. Hoặc khi nói đến những người không chịu khuất phục trước uy quyền, sẵn sàng bảo vệ lẽ phải mặc dù chịu nhiều thiệt thòi ta có thành ngữ Trâu già chẳng nệ dao phay. Để chỉ những con người có tính trăng hoa, ta thường nghe câu Đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi .
Đặc biệt khi đề cao tính sáng suốt thông minh và trí nhớ của người bạn nhà nông, dân gian ta đã đúc rút trong câu tục ngữ Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu. Ở câu tục ngữ này, ta thấy con trâu như người bạn chỉ đường, người giúp đỡ lại con người những khi cần thiết, đó là chuyện có thật, không sai. Khi nhắc con người sống cho ra sống, sống có ý nghĩa trên cuộc đời, sống nên làm những điều tốt để phải khỏi bị những tiếng tăm không hay về sau, dân gian có câu Trâu chết để da, người ta chết để tiếng. Câu tục ngữ này cũng ngầm ý phê phán những con người không tốt, gây phiền hà nhiều trong cuộc sống thì mai kia nhất định sẽ để lại những điều không hay.
Trong văn học dân gian Việt Nam, người nông dân mượn hình ảnh con trâu để thổ lộ tâm tình sâu đận ở nhiều bài ca dao. Lời thổ lộ tâm tình ấy có tính chất gần gũi thân thiết như một người bạn, người quen, suốt đời gắn bó và san sẻ, làm lụng hổ trợ nhau để cùng có miếng ăn. Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/Cấy cày vốn nghiệp nông gia/Ta đây trâu đấy ai mà quản công/Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn. Bài ca dao ngắn gọn nhưng cho thấy tình cảm của người và con vật. Lời lẽ chân thật, hình ảnh sinh động, ý nghĩ sâu sắc. Đó cũng là một lời biết ơn, nhắc nhở bền chặt của con người với con vật.
Trong khó nhọc, con người vẫn có niềm tin lạc quan vào cuộc sống ngày mai. Với người nông dân chân lấm tay bùn, đôi khi tiền tài vật chất không quan trọng Thằng Bờm có cái quạt mo/ Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu/ Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu…Phú Ông xin đổi nắm xôi Bờm cười. Chuyện của Bờm cũng dễ dàng chấp nhận, bỡi cuộc sống của người bình dân vốn quen với những gì thiết thực dung hoà.
Con trâu giúp người và con người gắng bó với con trâu. Những ngày mùa công việc bề bộn cả hai cùng vất vả nhọc nhằn và cũng có lúc nhàn nhã. Để chỉ số phận con người và con trâu sướng khổ cùng có nhau ta có bài ca dao Rủ nhau đi cấy đi cày/ Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu/Trên đồng cạn, dưới đồng sau/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa. Rõ ràng cuộc sống vui đáo để. Cái khốn khổ đi cùng với niềm tin yêu hạnh phúc cũng như con trâu trong nhiều mối quan hệ với cuộc sống con người.
Ngoài việc ca ngợi động viên khuyến khích, ở đời con người còn có những phê phán chê bai, chỉ sự nhầm lẫn. Ví như câu ca dao Tiếc cô gái khôn lấy thằng chồng dại/ tiếc bông hoa lài cắm bãi cứt trâu. Câu ca dao có khen có chê, biểu hiện sự không cân xứng về hôn nhân đôi lứa. Con trâu cũng được đưa vào chuyện vui hệ trọng của đời người Cưới em tám vạn trâu bò/ Bảy vạn dê lợn chín vò rượu tăm… Cưới nàng anh toan dẫn trâu…
Hình tượng con trâu trong đời sống vô cùng phong phú. Nó gắn với đời sống kinh tế, tinh thần của con người ở nhiều lĩnh vực. Con trâu cũng trở thành một yếu tố cơ hữa trong vốn văn hoá của dân tộc Việt Nam. Cuộc sống ngày nay có nhiều tiến bộ về mặt khoa học kĩ thuật, đất nước đang trên đà công nghiệp hoá hiện đại hoá nhưng con trâu vẫn cứ được xem hình ảnh không thể thiếu của một vùng đất nằm trong nền văn minh nông nghiệp lúa nước.
Cuộc sống đang tiếp tục phát triển. Con người càng trở nên văn minh hiện đại. Mong rằng trong bộn bề cuộc sống đó, chúng ta đừng bao giờ chia bè kéo cánh, chia rẽ anh em như kiểu Ngưu tầm ngưu mã tầm mã hoặc sống theo kiểu Đầu trâu mặt ngựa thì buồn lắm.
Hi vọng rằng năm con Trâu sẽ có nhiều niềm vui và thắng lợi.


Đào Tấn Trực

Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2009

TẢN VĂN CỦA ĐÀO TẨN TRỰC


TIN NHẮN LÚC KHÔNG GIỜ

Năm 2008 trôi qua một cách đường hoàng. Thời khắc cuối năm bao giờ cũng chộn rôn lòng người, nhất là những người ý thức sâu sắc về giá trị được mất của thời gian. Bình tâm một chút cũng không đến nỗi lo lắng gì, bỡi lo lắng nhiều rồi thời gian cũng sẽ trôi đi, không dừng lại bao giờ.
Năm Mậu Tý đi xa, điều đầu tiên tôi nhận được trong năm Kỷ Sửu này là những tin nhắn chúc mừng từ, người thân, bạn bè. Những tin nhắn cũng thường thôi, đại loại như kiểu chúc mừng năm mới, năm mới hạnh phúc, may mắn, thành đạt…Phải nói rằng đó là một niềm vui của thời hiện đại mà nhiều năm trước đây không hề có được.
Dù tin nhắn nhận được có nội dung gì thì đó vẫn là một tín hiệu vui trong thời khắc đầu năm. Khác trước, bây giờ đời sống công nghệ nói trước cho chúng ta biết bao điều. Thảng có lúc nghĩ rằng nó không có giá trị bằng lời chúc thốt ra từ giọng nói hơi thở của con người nhưng hoàn toàn không phải thế. Nó thật giá trị. Không còn khoảng cách về địa lí, không còn bất ngờ và cũng không cần phải chờ đợi như trước nữa. Trong nam ngoài bắc, trong nước hay ngoài nước chỉ vài giây là xong tất, nỗi niềm được gửi gấm, tâm sự được giải bày. Có những người chưa hề biết mặt, chỉ biết qua cái tên, vài lần tin nhắn cho nhau làm quen rồi lãng quên theo năm tháng; có những người gặp nhau bình thường, không thân thiết gì lắm cũng chúc mừng…Có lẽ phút giây thiêng liêng, trời đất thanh bình, âm dương hòa hợp nên con người mới thấy lòng mình nhẹ nhàng như thế. Dù sao đó cũng là một cách thể hiện tấm lòng của con người, mà cuộc sống và đời người chúng ta cần tấm lòng hơn bất cứ điều gì. Biết rằng, tấm lòng thể hiện qua tin nhắn đôi lúc làm mất đi sự thú vị nhưng trong đới sống hiện đại ngày nay, giá trị thực tế của nó lại tăng lên gấp vạn lần.
Bây giờ, những cuộc hẹn hò, những lần gặp mặt bất ngờ như ngày trước không còn nữa. Bỡi thế việc nhận được tin nhắn chúc mừng lúc không giờ không phải là niềm vui của riêng tôi mà đó là việc nên làm và cũng là niềm vui của triệu triệu người.

ĐÀO TẤN TRỰC