Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

TẢN VĂN CỦA ĐÀO TẤN TRỰC

Buổi sáng ở ngoại ô Sài gòn

Hè, tôi lưu chân ở Sài Gòn một tháng. Sự hào phóng của đất và người trên hòn ngọc phương nam đã cho tôi nhiều kỉ niệm.
Tôi trọ nhà anh bạn trong con hẻm nhỏ trên đường Kha Vạn Cân. Nhà quay mặt ra sông Sài Gòn đục ngầu nhưng đêm về trở nên huyền ảo, thơ mộng bỡi ánh đèn đô thị phản ngược lập lòe mang chút cổ xưa giữa lòng thành phố hiện đại. Khu trọ ở sâu tận cùng con hẻm, có đến vài chục phòng, người khắp ba miền làm nhiều nghề như giám đốc, tiến sĩ, giáo viên, nhà báo, công nhân, thợ xây, giúp việc, giữ trẻ và hình như có cả gái điếm. Xung quanh khu nhà có một vạt đất trống nhiều cỏ tranh loang lỗ đan xen vài cây ăn quả cạnh vườn mai xuân không người chăm sóc. Cảnh giống nông thôn. Có lẽ, cả Sài Gòn chỉ còn chỗ này “giàu có” như thế.
Ban ngày, cả khu trọ nằm im thin thít. Người đi vắng. Họ đi làm và trở về nhà khi đêm đã khuya. Hình như cuộc sống đô thị cuốn hút con người theo vòng xoáy, hết giờ này đến ngày kia. Khu trọ chỉ rộn ràng lên được một lúc sáng sớm. Đó là bóng dáng anh giám đốc kia phơi áo quần cho vợ, chị vợ nọ hối chồng chở đi làm…và đôi lúc có cả tiếng cãi vã của đôi vợ chồng bên cạnh về chuyện tiền nong, công việc. Trong số những người chung xóm trọ, tôi nhớ nhất vợ chồng anh Khôi chị Thúy thợ xây, quê Long An.
Anh Khôi và Thúy xa quê lên Sài Gòn lúc 15 tuổi. Miền đất hứa đã cho mọi người nhiều cơ hội nhưng với anh Khôi chị Thúy đến giờ vẫn hoàn tay không. Lận đận kiếm cơm, thế mà anh chị vẫn tốt nghiệp cấp 3. Giấc mơ vào giảng đường của hai người không vượt được hoàn cảnh. Rồi duyên trời run rủi, anh chị thành đôi, thành người Sài Gòn gần mười năm nay. Ban ngày, hai vợ chồng đi xây, tối anh phải ra sông Sài Gòn thả cá, rà lươn để có thêm thu nhập. Những con cá lóc, con lươn anh mang về mập ú. Mỗi sáng, chị mang ra đầu con hẻm ngồi bán. Người tiêu dùng thích “của trời”, chị ngồi chưa được 20 phút, rổ lươn đã hết sạch.
Những ngày tôi vào, công trình anh đình công vì chưa có giấy phép xây dựng, ban ngày anh ở nhà. Anh đãi tôi món miệt vườn anh tự nấu. Tính xởi lởi của người miền nam ghi dấu ấn khá rõ trong từng lời ăn tiếng nói. Lịch sự nhưng không dè dặt kín đáo, lễ nghĩa nhưng không quy cách như người miệt ngoài. Cảnh vợ mua rượu, ngồi nói chuyện để chồng lai rai không lạ gì. Cuộc sống xoay với bao điều chưa nói hết giữa đô thị hiện đại mà vợ chồng anh vẫn vô tư thư thả giữa đời thường. Cả hai bây giờ dù chưa giàu có, không cội rễ nhưng với chừng ấy năm anh vẫn là người Sài Gòn trong cách nhìn của tôi. Tôi ngưỡng mộ vì họ giống những người tôi từng mến mộ: nghèo, khát sống và ước mơ. Khổ nỗi, niềm tin không vật nổi hiện thực, họ là những người tốt, mấy ai biết.
Ngoài sự hối hả tất bật của cuộc sống, phong cảnh buổi sáng ở ngoại ô Sài Gòn giống một miền quê đích thực. Vừa chợp mắt đã nghe tiếng con trùng thức giấc, tiếng khứu, tiếng chim chìa vôi hót vang, tiếng gió xạc xào trên những tán dừa trước hiên, cánh hoa mận rơi trước sân… Nắng lên, từng đôi chim sẻ vào tận sân nhặt sạn, nghe cửa động, chúng bay vù lên cây trứng cá rỉa lông, chuyền cành. Bên ngoài, bươm bướm chập chờn trên từng bông cỏ…Tất cả đều không như sự thật, chắc rằng sẽ lưu vào trí nhớ nếu ai thư thả hòa mình với cuộc sống.
Nếu như sự bức bối chật chội tốc độ nằm trong trung tâm thành phố thì bên này vòng cung sông Sài Gòn đã cho một miền đất nhiều cảnh đẹp. Ở đây có sông nước, nhà vườn, quán bình dân và còn cả những con người rộng lòng sau những giờ làm ăn mệt nhọc. Tôi sợ một ngày nào đó đô thị sẽ phình to, lấn át cả vùng ngoại ô Sài Gòn nên thơ hữu tình, nơi tôi đã từng đặt chân đến rồi đi.
Theo Báo Du Lịch TP. HCM
ĐTT