Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

THƠ HUỲNH THỊ THANH HUYÊN


Huỳnh T Thanh Huyên đang là học sinh lớp 12. Huyên có sáng tác thơ văn từ nhỏ, có nhiều tác phẩm đăng trên các báo. daotantruc.blogspot.com giới thiệu sáng tác mới của em.

CÁCH XA NÀO

Dừng lại sao mãi vòng vèo
Người ta còn bé, đừng theo làm gì
Nói thật sao cứ cười …khì
Đây mà bực bội có khi mất lòng
Nói rồi lại cứ như không
Chẳng quen chi hết lòng vòng tới lui
Người đâu lại thích làm đuôi
Theo chân người khác, một người kì ghê.
Từ đây đi cũng như về
Cách xa ba mét có thề được không…
Gật đầu sung sướng trong lòng
Thà xa ba mét có còn hơn không.

HTTT

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

BÀI VIẾT VỀ TRỰC

Đào Tấn Trực – Hơi thở “lục bát” nông thôn
Ngô Phan Lưu

Tết Nguyên Tiêu vừa rồi, nhà thơ Đào Tấn Trực sinh ra và lớn lên từ nông thôn Phú Yên, được trao giải nhất Cuộc thi Thơ do Hội LH / VHNT tỉnh Phú Yên & Hội Cựu học sinh Trường TH Nguyễn Huệ tổ chức tại chân Tháp Nhạn nhân ngày Thơ Việt Nam với bài thơ VỌNG LÀNG. Bài thơ đoạt giải này, lấp lánh những câu Thơ trĩu nặng hình ảnh và tâm tư của nông thôn đã qua, gây xúc động người đọc vì thấm đẫm hơi thở quê nhà: “Có đi về phía con đường/ Mới xa xóm vắng mới thương quê nghèo/ Ngày đi câu hát đi theo/ Thị thành mơ mảnh trăng treo vườn nhà/ Mười bảy tuổi tạm cách xa/ Em toan tính chuyện bước qua lời nguyền/ Đất nồng còn một chút duyên/ Buộc quê với phố, buộc thuyền với sông/ Buộc tôi với luống cải ngồng/ Bãi bồi ai đắp cho đồng phù sa/ Nằm nghe con sóng quê nhà/ Một vùng ký ức khói là là bay/ Trăng nghiêng xuống ngọn tre gầy/ Rạ rơm sương khói nguyện đầy lời ru/ Mẹ giờ đã hóa mùa thu/ Câu ca dao cũ hình như lỡ làng/ Hươ bàn tay gọi đò sang/ Chở tôi về dưới cổng làng ngày xưa…”
Đào Tấn Trực sinh năm 1975, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học sư phạm Huế. Hội viên Hội Liên Hiệp VHNT tỉnh Phú Yên. Có thơ văn đăng nhiều ở các báo địa phương và trung ương, trong các tuyển tập thơ chung. Đã xuất bản tập thơ “THƯƠNG NHỚ DÒNG SÔNG”. Hiện là giáo viên trường THPT Lê Thành Phương huyện Tuy An, Phú Yên. Anh dạy học và sáng tác thơ ngay tại quê hương mình.
Anh có sáng tác văn xuôi khá nhiều, nhưng Thơ vẫn là khả năng nổi trội của anh. Đặc biệt, dòng lục bát được anh sáng tác khá có hồn. Dĩ nhiên những thể loại thơ khác như: Tự do, Ngũ ngôn, Thất ngôn…anh vẫn sáng tác, nhưng không bằng thơ lục bát. Dường như chiếc áo “lục bát” vừa vặn, đẹp và ấm áp đối với anh. Chiếc áo “lục bát” ấy phải ôm lấy một tâm hồn thấm đẫm nông thôn như anh mới chịu tỏa sáng: “Tôi về chân lấm đất nâu/ Trời đem mây xuống hun sâu cánh đồng/ Mắt quê úp mặt vào lòng/ Nghe rơm rạ cũng xót nồng bàn chân/ Bao năm chạm một nỗi mừng/ Về quê thăm quẩn quanh từng ngõ xưa/ Dòng sông cũ bóng nhẹ thưa/ Thương con bìm bịp giữa trưa gọi bầy/ Này bàn chân nhỏ thơ ngây/ Lấm lem bùn đất của ngày xưa tôi/ Nước dừa một ngụm mềm môi/ Ngọt từng thớ đất thành lời quê hương…”
Đào Tấn Trực có lẽ ý thức được điều này và anh đã phát triển nó liên tục. Anh không chạy theo thời thượng “hậu hiện đại” như các nhà thơ trẻ khác, bởi anh biết mình chưa “hiện đại” thì làm sao mà “hậu hiện đại”. Anh biết mình là ai và anh biết chấp nhận mình để phát triển mình.Và chính điều này làm anh khác biệt. Kết quả, anh đã nổi trội vì anh có tài năng phát huy cái khác biệt ấy: “ Em về lục bát đã xa/ Mù sương đổ xuống chiều qua cổng thành/ Câu thơ anh viết chòng chành/ Non tay nên khuất một vành nón nghiêng…” Không, thơ anh không non tay đâu, mặc dù nó chưa già tay. Mà non hay già, đó không phải là vấn đề. Vấn đề là có hồn hay không có hồn. Còn việc “khuất một vành nón nghiêng” đó là do thơ anh có hồn. Nếu không có hồn ắt đã lọt vào vành nón nghiêng rồi. Đừng có tự trách thế. Đó là do tai họa thơ trên trung bình gây ra!
Thơ lục bát của Đào Tấn Trực đã tiến được gần tới sự giản dị. Đó là một nổ lực không ngừng của anh.
Thời hôm nay, thỉnh thoảng có nhiều nhà thơ đã sáng tác nhiều bài quá phức tạp, rối ren, thậm chí còn bí hiểm. Thực sự họ đã xa rời giản dị. Hoặc có thể họ không thèm giản dị. Dù gì đi nữa, giản dị đối với họ quả là khó khăn nên mới ra thế. Thú thật, phải cố gắng đọc, nhưng đọc xong chẳng biết họ viết gì. Lại cũng thỉnh thoảng có nhà thơ giản dị đến mức triệt tiêu chữ nghĩa. Câu thơ chỉ một chữ, hai chữ, thậm chí có giòng không có chữ. Thật cũng mệt vô cùng. Tóm lại, cả hai đều đã bỏ rơi cái giản dị. Họ đã viết quá mau và quá dễ, nên khó đọc và không hiểu được.
Những lời thơ giản dị phụng sự con người, luôn luôn mọi thời đều trân trọng chờ đợi. Quả thật, Đào Tấn Trực đã làm được điều này.
Và, vì cái nhan đề hơi quá “Đào Tấn Trực – Hơi thở “lục bát” nông thôn”, mong rằng hơi thở ấy mạnh hơn nữa, vang xa hơn nữa, ghi dấu ấn hơn nữa, để cái nhan đề ấy được đúng như ý nguyện người viết bài này.

N.P.L

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2009

CHÂN DUNG VĂN NGHỆ SĨ


NHÀ VĂN NÔNG DÂN NGÔ PHAN LƯU
THÂM CANH TRÊN CÁCH ĐỒNG CHỮ

Đào Tấn Trực (Thực hiện)
Ông Ba Lưu, tên đầy đủ Ngô Phan Lưu, sinh 1946 tại xã Hoà Mỹ, bên cánh đồng lúa Tuy Hoà nổi tiếng cao sản tỉnh Phú Yên. Trước 1975, ông từng là sinh viên khoa triết Đại học Văn khoa Sài Gòn. Sau 1975 ông về quê sống nghề làm ruộng. Lăn lộn ruộng đồng gần 20 năm, ông ba Lưu hoàn toàn là một nông dân thứ thiệt. Nhưng vì mỏi tay cày, Ngô Phan Lưu mới viết báo, làm thơ. Đánh dấu ngã rẽ cuộc đời là tập thơ BẾP LỬA CHIỀU ĐÔNG (1997). Nhưng, ông sớm nhận ra ngòi bút mình rất vô duyên với nàng Thơ. Thất bại toàn phần, ông chuyển sang viết truyện ngắn. Năm 2004, tập truyện ngằn NGƯỜI KHÔNG GIĂNG CÂU KIỀU ra mắt, được nhiều bạn đọc ưa thích, đánh giá cao.. Từ đó đến nay, rải rác trên các báo trung ương, cái tên Ngô Phan Lưu gắn liền với truyện ngắn, xuất hiện nhiều đến quen thuộc.
Chuyện ông Ba Lưu chuyển tay cày sang tay viết, đã gây ngạc nhiên nhiều người nơi quê hương ông sống. Bỡi thế cho nên họ gọi ông là nhà văn nông dân.. Lưu nhà văn hay Lưu nhà nông, hay cả hai nhà gộp lại, ông cũng ừ. Ông không bận tâm đến danh xưng. Họ gắn thế nào cũng xong, miễn đúng tên là được. Ông coi trọng thực chất bên trong hơn cái danh hão bên ngoài.
Năm 2007, Ngô Phan Lưu đã thành danh. Cái tin ông Ngô Phan Lưu người Phú Yên đạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn VN - với hai truyện ngắn “Buổi sáng biến mất” và “Cơm chiều” đã khẳng định tài năng văn học của ông. Phải nói ông thành danh muộn, nhưng tác phẩm ông đã khẳng định được một vị trí nào đó trên văn đàn. Nhà văn nông dân nay bước sang tuổi 64. Giờ đây, việc thâm canh trên cánh đồng chữ nghĩa đối với ông cũng nhọc nhằn và gian lao gấp mấy lần so với thâm canh đồng lúa .
Ông Ba Lưu nhà văn nông dân là một con người có nhiều cái “chịu”. Trong giao lưu sinh hoạt với anh em bạn bè, ông là người “chịu” chơi. Ông có thể ngồi cả buổi hoặc thâu đêm tiếp bạn. Mỗi khi anh em có bàn trà chén rượu, nhã ý “Alô” là ông lên xe liền, nếu không bận việc. Trong viết lách, ông là người “chịu” sáng tạo. Dù ban ngày bận bịu mệt nhọc thế nào, buổi tối cũng phải ngồi trước máy vi tính gõ năm, sáu trăm chữ. Ông viết truyện ngắn, tản văn cẩn thận. Sự khẳng định chất lượng ngòi bút của ông được minh chứng bằng các tờ báo gọi mời đặt “hàng” hay giao cho ông một chuyên mục nào đó thường kì.
Tôi lúc nào cũng coi ông như một người thầy về mặt sáng tác văn học. Qua nhiều lần trò chuyện, tôi học được ở ông nhiều điều bổ ích cho việc cầm bút. Cách nói chuyện của ông thẳng thắn, gãy gọn, dí dỏm mà sâu sắc như văn của ông vậy.
- Ngày trước, học hành dở dang lại về quê lăn lóc làm ruộng, vậy làm sao ông viết văn hay? Có bí quyết nào chăng, thưa ông?
Tròm trèm 20 năm làm ruộng, chăn bò trên núi, lúc rảnh tôi luôn đọc sách. Sách của tôi ngày đó khá nhiều và tôi xem sách như một người bạn không thể thiếu. Tôi đọc kỹ nhiều thứ: văn học, triết học, cả kinh Phật, và trên hết là chịu suy nghĩ. Chỉ thế thôi. Còn bí quyết tôi không có.
- Vậy ông viết văn thành công là nhờ đọc sách nhiều ?
Đúng thế, đọc rồi viết. Đầu tiên tôi làm thơ, in được một tập, thấy dở quá, tôi chuyển ngay sang viết truyện ngắn mà không do dự. Nếu sau này, thất bại tiếp, tôi sẽ chuyển sang viết phê bình cũng không do dự. Nếu mọi việc không được nữa, tôi buộc phải trở lại làm thơ và lúc ấy phải do dự. Tôi quyết theo văn chương đến cùng. Tôi nghiệm ra một điều nữa là: Song song với việc đọc sách tạo “lực”, còn phải có “gan” với ngòi bút của mình, nhưng cái “gan” phải đi trước.
-Ngoài học sách, nhà văn còn học ở đâu ?
Học ngoài đời. Học chính nghề gốc của mình phải biết chậm rãi, chịu khó. Học các lão nông luôn nhìn gần và nhìn kỹ. Học con nít sự liên tưởng đột ngột, trí tưởng tượng bay bổng. Học chiếc máy ảnh không bỏ sót chi tiết nào. Đại khái như thế…v.v…và…v.v…
- Có người đọc tác phẩm của nhà văn, họ nói ông Ngô Phan Lưu viết toàn chuyện ác. Ông thấy thế nào ?
Không phải viết toàn chuyện ác, mà là dũng cảm viết đối mặt với cái ác. Gặp cái ác, tôi quyết rọi đèn pin vào, cho mọi người thấy rõ hơn mà ghê tởm, mà diệt trừ.
-Trước và sau khi đạt giải thưởng, ông thấy ngòi bút của mình có thay đổi gì không?
Ngòi bút vẫn như thế. Giải thưởng chỉ là một loé chớp cho tôi dừng lại để sáng sủa một chút. Giờ tôi đã xa nó rồi. Giờ tôi tiếp tục cần cù, tiếp tục cô đơn, tiếp tục làm việc trong âm thầm, hệt như hồi chưa có giải thưởng.
- Nhà văn có thể nói về những tác phẩm của mình mới in gần đây?
Giữa năm 2008 rồi, NXB Phụ Nữ đã in tập Truyện ngắn & Tản văn có nhan đề CƠM CHIỀU, chủ yếu viết về nông thôn trong thời kỳ hội nhập phát triển. Quyển sách tốt, nhiều bài viết các báo đánh giá cao. Năm nay, đang tiến hành in tập Truyện ngắn & Tản văn có nhan đề XOA TAY VÀ CƯỜI. Tác phẩm này vẫn chủ yếu viết về nông thôn. Tuyển chọn những truyện ngắn và tản văn có chất lượng gần đây. Nói chung, những tác phẩm được in ra tôi đều quí, cho dù nó dở hay nó hay. Bởi nó là tinh thần của mình.
- Nhà văn là người hay viết tuỳ bút và tạp bút, hai thể này khác nhau như thế nào, các bạn trẻ bây giờ rất cần biết điều đó ?
Tôi ít viết tùy bút mà thường viết tản bút và tạp bút. Bởi hai thể sau phù hợp với tạng tôi. Đại khái, chúng cũng khác nhau đôi chút. Tùy bút là nghi chép con người và sự kiện, có tính chất cảm xúc, trữ tình. Tản bút là viết không kiểm thúc, không ràng buộc, viết thong thả rong chơi. Tản là không ràng buộc, là thong thả. Còn tạp bút là viết lộn xộn nhiều thứ khác nhau, không nhất quán. Tạp là lộn xộn nhiều thứ khác nhau. Riêng tùy bút phải chuyên chở sự thật, không viết láo được cho dù rất văn chương. Chuyện là thế, nhưng trong tản bút hay tạp bút hay tùy bút đều có thể vận hành chung trong một bài vẫn không trở ngại. Còn làm sao tôi viết được nhiều và sâu sắc? Qua trải nghiệm tôi rút được như vầy: Tôi viết được nhiều do thứ nhất là siêng năng. Siêng năng là chính. Thứ hai là do quan niệm “vạn sự vạn vật trên cái cõi đời này đều có thể đi vào văn pháp”. Cái thứ hai này cũng là chính. Còn viết được sâu sắc là do cách xử lý đề tài và kinh nghiệm sống cùng trí tuệ bản thân. Việc này không thể nói trong vài dòng, cho dù rất muốn nói ra.
- Hiện nay nhà văn sáng tác ra sao, có ấp ủ điều gì phía trước không?
Hiện nay, tôi vẫn viết đều đều như nông dân cày ruộng. Viết chứ chẳng sáng tác gì cả. Tản bút, tạp bút… tôi viết nhanh vì vốn sống tích lũy nhiều. Nhưng truyện ngắn phải đầu tư và xây dựng công phu nên viết phải lâu. Sống tới tuổi này, kinh nghiệm dạy tôi kiên nhẫn làm việc hết sức mình.
-Vậy, ắt nhà văn đã có dự đinh viết tiểu thuyết ?
Cố gắng viết một quyển tiểu thuyết thật đàng hoàng, dày khoảng 300 trang.
-Tiến hành được bao nhiêu trang rồi, thưa nhà văn?
Đã tiến hành được “dự định”. Còn “trang” hãy từ từ.
-Xin cảm ơn nhà văn.

ĐTT( Theo Áo Trắng - Tuổi trẻ 1-4-2009)