Thứ Hai, 29 tháng 9, 2008

NHÀ THƠ LÊ MINH QUỐC NÓI VỀ THƠ


Nhà thơ Lê Minh Quốc:

Thơ mãi là niềm bí ẩn

Những câu hỏi của bạn đọc xa gần, xin được trả lời chung trong bài viết ngắn này - từ sự gợi ý của các bạn Nguyễn Văn Nhị (ĐH Sư phạm TP.HCM), Trần Minh Hào (Bình Dương), Nguyễn Hoàng Kim Ngân (Gò Vấp), Phan Hữu Tuấn (Bình Thạnh) Trần Duy Phong (Cần Thơ), Lê Thị Nhật Ánh (TP.HCM)...

Bài viết này được xem như một sự chia sẻ, tâm sự của những người cùng quan tâm đến văn chương.Nhà thơ Lê Minh QuốcLàm gì để có một bài thơ hay? Chẳng phải làm gì cả. Tự nó sẽ đến nếu trong sâu thẳm tâm hồn của bạn thúc giục phải viết một cái gì đó. Viết như một sự tự giải thoát trong một tâm trạng đang khốn cùng, không lối thoát. Tôi không nghĩ có thơ hay hoặc dở.Thơ là tâm trạng của người đó. Ta không thấy hay, nhưng chính họ và người khác (nếu có) cảm nhận hay thì sao? Vì thế, có những câu thơ, những bài thơ với ta tẻ nhạt, nhưng với người khác lại là một niềm chia sẻ.Thơ trẻ hiện nay có nhiều phá cách? Thì cũng tốt thôi. Tâm trạng họ thế nào thì họ biểu hiện thế ấy, miễn là đừng làm dáng, đừng chạy theo mode thời thượng. Vào một chiều nhạt nắng, nhịp điệu tâm hồn êm ả với nhịp lục bát thì làm sao có thể buộc họ phải phóng túng với thể loại tự do? Ngược lại, lúc tâm trạng rối bời, không định hướng, làm sao có thể bắt họ phải nhịp nhàng, chỉn chu trong vần điệu? Làm thơ có giống như viết tiểu thuyết, viết biên khảo không? Chắc chắn là không. Thơ mãi mãi là một niềm bí ẩn.Nó đến và đi ngoài tham vọng, sắp xếp của người sáng tác. Thơ không cần đến thói quen. Không cần đến sự khéo tay. Thói quen và sự khéo tay chỉ cần cho những nghề "thủ công mỹ nghệ". Tại sao? Làm sao ai có thể sắp xếp, bố cục được tâm trạng và nguồn cảm hứng của tâm hồn mình để dồn nén trong bài thơ? Thơ không cần phải có "mở đầu", "thân bài" và cuối cùng là "kết luận". Thơ là sự ngẫu hứng trong bất chợt của nhịp điệu tâm hồn lúc ấy, khoảnh khắc ấy.Nói thì nói thế thôi.Hành trình thơ ca của một dân tộc ở mỗi thời đại đều có dấu ấn riêng biệt của nó. Nó phải khác trước. Tại sao phải khác? Bởi ngọn gió của thời đại này không giống thế kỷ trước. Thổi qua tâm hồn của con người thời đại computer không là ngọn gió của quan niệm "tấc đất, ngọn rau, ơn chúa" mà là sự va chạm của nhiều nền văn hóa với nhau - chỉ cần một click chuột đã mở ra một thế giới khác - vì thế cách viết, cách thể hiện cũng phải khác trước.

Khác như thế nào thì phải là cảm xúc của chính mình qui định, chứ không phải hùa theo đám đông.Thế nào là thơ hay hoặc thơ dở? Tôi tin vào sự sàng lọc của thời gian, chứ không tin vào những lời nhận xét, đánh giá của các nhà phê bình, nghiên cứu văn học về thơ. Bởi hiện nay có quá nhiều trang viết tung hô, lăng-xê ngoài mục đích văn chương; hoặc chỉ căn cứ vào sự "tân kỳ” của văn bản.Tôi không quan niệm thơ hiện đại thì hình thức phải thế này, phải thế kia. Một chiếc áo dài "hai phần gió thổi một phần mây" vẫn hấp dẫn như chiếc áo pull hở rốn đấy thôi. Tính hiện đại của bài thơ nằm ở tư tưởng của nó. Và cách thể hiện? Tất nhiên là quan trọng, nhưng vẫn không phải là yếu tố quan trọng nhất. Một bài thơ lục bát, tứ tuyệt... nếu gánh vác được tâm tư, tình cảm của thời đại nhà thơ đang sống vẫn thuyết phục hơn cách viết "tân kỳ” nhưng chỉ là sự lảm nhảm vô nghĩa, vô hồn.Anh thích nhất bài thơ nào? Hỏi như thế nào khác gì trong những nhan sắc đã bước qua đời mình, ai là người để lại dấu ấn sâu đậm nhất? Dù sâu đậm hay không thì nhan sắc ấy đã từng gắn bó với một phần máu thịt của đời sống của chính mình. Làm sao có thể lãng quên hoặc cố tình chối bỏ?Yếu tố may mắn có cần cho một tác phẩm văn chương, một nhà văn? Tất nhiên là cần, nhưng chỉ nhất thời. Nội lực của chính người sáng tác mới là điều quyết định lâu dài khi họ đánh đu trên hành trình bể dâu của trò chơi chữ nghĩa. Cái trò chơi này nhiều bất trắc, nhưng cũng có ma lực hấp dẫn lạ thường. Nó hấp dẫn bởi ta đến với nó vì bất cứ một lý do gì, dù ngoài văn chương hoặc "sống chết" vì văn chương thì cũng có thể đến cuối đời vẫn không là gì cả. Nhìn lại thấy trên bàn tay vẫn trống trơn, chỉ thấy ngọn gió hư vô đi qua.Không có gì. Nhưng ngược lại, có người chỉ bước qua như một kẻ lãng du nhưng lại gặt hái được lắm thứ mà bao kẻ cần cù, lao lực "đóng cửa phòng văn hì hục viết" vẫn không thể... Có người ra biển chỉ một lần nhưng vớ được một mẻ cá tươi roi rói, có kẻ lao ra trùng khơi trùng trùng gió vỗ, thậm chí đắm thuyền nhưng rồi chỉ đem về một mớ cá nhép.Nhưng đừng vui và cũng đừng buồn.Khi chơi, nếu không tính toán, không sắp xếp, không mưu cầu một lợi lộc gì thì mới là chơi. Mà văn chương là gì? Là trò chơi của lũ con trẻ. Cao Bá Quát đã nói thế. Nghĩ như thế để thấy nhẹ lòng trong cuộc chơi khốc liệt này.Tôi không tin vào yếu tố may mắn, nhưng tôi tin vào thời điểm ra đời của một tác phẩm. Phải có một "điểm rơi" đúng thời điểm.

Nếu kiệt tác vàng ròng Truyện Kiều, vì một lý do gì đó nay mới công bố thì liệu nó có tạo ra một hiệu sóng ngầm khủng khiếp từ thế kỷ trước sang thế kỷ này và mãi đến ngàn sau?Riêng các câu hỏi về tập bút ký Một ngày ở Mỹ (NXB Trẻ - 2008), xin mời bạn đọc tập sách này thay cho câu trả lời, có thể tìm mua tại nơi phát hành độc quyền Nhà sách Quang Minh (416 Nguyễn Thị Minh Khai, Q. 3. ĐT: 8.322386- 8.340990).Giấy vắn tình dài. Câu nói này rất cũ, nhưng không lỗi thời. Xin tạm dừng bút tại đây.

L.M.Q.

(theo Áo Trắng)

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2008

TẢN VĂN CỦA ĐÀO TẤN TRỰC


Hương sữa
Vài năm trở lại đây, cây hoa sữa đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Từ thành phố, thị xã, thị trấn, đến sân trường…, nơi nào cũng có sự hiện diện của loài cây mang hương hoa ngào ngạc mỗi độ thu về.
Cách đây hơn 15 năm, từ miền Bắc cây hoa sữa được đưa vào các tỉnh miền trung. Có lần đi lao động chúng tôi được nhà trường phân công đào hố để trồng loài cây lạ lẫm này. Ngày đó, cây có giá trị. Thầy bảo: Nếu em nào trồng hỏng sẽ bồi thường 60 000 đồng một cây. Quả thực 60 000 đồng khi đó chúng tôi sống được một tháng xa nhà.
Vài năm sau tôi được ra tham quan ngoài Bắc. Đến thị xã Đồng Hới, xe dừng. Đám bạn tôi bỗng reo lên, hoa sữa kìa, rồi cả nhóm nữ vội vàng bước xuống, ùa ra hàng cây hai bên đường níu hái từng chùm hoa có màu trắng trìu trĩu những giọt nước mưa tinh khiết còn đọng vào cánh hoa. Hôm đó, lần đầu tiên tôi biết đến hoa sữa. Trên chuyến xe bon bon ra Hà Thành ngào ngạt một mùi hương hoa ngọt ngào để sau này mỗi lần nhớ lại, bằng giá nào tôi cũng tìm hái để tặng em. Mùa thu Hà Nội yên lặng trong dịu dàng, mùa thu Hà Nội cũng đằm đằm như từng con người được sinh ra, sống và nói giọng thủ đô. Trên từng con đường, từng tiếng lá rơi theo làn gió, từng con sóng trên mặt nước Hồ Gươm ngập tràn trong mùi hương hoa sữa. Hà Nội hoa sữa nhiều, in bóng trên từng con phố là những hàng cây ngày ngày che nắng, che mưa; chứng kiến bao cảnh vui buồn nhộn nhịp và cũng là nhân chứng cho nhiều đôi tình nhân hò hẹn đón đưa.
Những thành phố phía Bắc cây đã cho hoa thì trong quê tôi mới có phong trào trồng cây. Không biết do thời tiết, khí hậu hay do sức sống chịu thương chịu khó của loài cây này mà chỉ vài năm sau, thị xã quê tôi cũng ngập tràn trong mùi hương hoa sữa mỗi khi thu về. Tôi đi dưới thị xã quê mình mà lòng cảm thấy tự hào vì sức sống của một đô thị đang bắt đầu cựa quậy, chuyển mình để ngày hôm nay thành một thành phố trẻ trung vươn mình.
Những năm gần đây, cây hoa sữa đã mọc lên từ khắp các nẻo đường; từ cơ quan, công sở đến từng con hẻm, hiên nhà. Thu về, hoa sữa toả hương ngào ngạc mong gặp một sự đồng cảm tri âm. Hương hoa theo từng cơn gió, trong đêm toả khắp các nẻo đường như só một sự đồng loã chuẩn bị xoà nhoà ranh giới các loài hoa. Bây giờ hoa sữa nhiều quá, hương hoa không còn một nét độc đáo riêng như ngày xưa nữa. Đôi lần nó bị hất hủi, chê bai đủ điều. Tôi đã nhiều lần nghe các cô bên hàng xóm bảo rằng “hoa đẹp thật, có hương thơm nhưng chẳng có ích gì lại chiếm một vòm xanh kha khá”. Vậy là người ta đổ lỗi cho loài hoa đặc trưng ở đất thủ đô không có tội tình nhưng có mùi hương găng gắt làm con người đau đầu nhức óc, viêm xoang…Vì thế nhiều cây hoa sữa có đường kính 20-30cm phải lìa cội đau lòng nhường chỗ cho những loài cây có giá trị khác. Là một người yêu hoa, lại có nhiều kỉ niệm với loài hoa không trâm anh đài các tôi cũng đau lòng nhưng chẳng biết nói sao; có lẽ cuộc sống là thế, làm sao nói hết bao điều!
Sân trường tôi dạy hoa sữa không nhiều, chỉ có vài ba cây nhưng năm nào thu về hoa cũng nở rộ. Mùa này, tôi lên lớp, trong từng phòng học thoang thoảng mùi hoa sữa. Có lần, tôi hỏi: Các em có nghe thấy mùi hương hoa không? Nhiều em trả lời có và bảo hương sữa nhẹ nhàng quyến rũ nhưng cũng có những em bảo hương sữa gắt làm nhức đầu lắm thầy à… Tôi bằng lòng với chính kiến của các em nhưng trong lòng có một chút bất an. Cũng may hôm đó tôi nhận được thư của một em học trò cũ từ Hà Nội gưỉ vào, trong thư có đoạn viết: Mùa này Hà Nội hoa sữa nở nhiều, đẹp và thơm lắm thầy ạ. Nghe mùi hoa sữa, em cảm thấy nhớ nhiều kỉ niêm, nhớ thầy cô và sân trường cũ quê mình da diết… Tôi gấp lá thư lại, trong lòng còn một chút tin.

ĐTT
(Bài chưa đăng-bản quyền tác giả)

THƠ ĐÀO TẤN TRỰC


THƯƠNG NGƯỜI QUAN HỌ
Tặng Cao Nhật Quyên

Xuôi Nam một chuyến đò ngang
Gửi câu Quan họ lại ngàn dặm xa
Người vè xứ biển quê ta
Bước qua quán Dốc xót xa lặng thầm

Quai thao nón lược tay cầm
Mấy năm khăn gói quê chồng mù khơi
Lạ người lạ đất lạ nơi
Nghĩ thương dáng mẹ xa xôi một mình…

Lần theo câu hát sân đình
Khi nghe đài nhắc quê mình hội Lim
Lỗi người Quan họ đi tìm
Bóng hình xưa đã khuất chìm phương Nam



LỠ THÌ
Gánh sen để trước sân chùa
Váy đụp bốn mùa chị bán chợ xa
Chiếu chèo vướng bận lời ca
Trai làng xuôi gió giờ ra thị thành

Cũng đường đất đỏ mong manh
Chị đi như thể vòng quanh đời mình
Đi chưa hết một cuộc tình
Một ngày quay lại nhận mình chân không

Lục bình nở phía bờ sông
Mùa xuân mấy đô qua không đợi mùa
Gánh sen để trước sân chùa
Ghị vào xin cái lá bùa bình yên .

ĐTT

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2008

THƠ VĂN NGHỆ SĨ

LỤC BÁT KHÔNG ĐỀ
Hoàng Anh Tuấn
(Công an tỉnh Lào Cai)
Có sinh ra ở làng quê

Đi xa mới thấy lối về bình yên
Khói lam chiều nhẹ bay lên
Đàn trâu khua mõ tím nền trời cao

Trăng vàng lóng lánh mặt ao
Vườn đêm hương bưởi trốn vào song thưa
Tiếng gà xao xác ban trưa
Sông quê nước đỏ đò đưa say nồng

Bờ tre rung tiếng sẻ đồng
Ban mai gọi nắng lụa hồng xóm thôn
Rơm phơi níu kéo bước chân
Lại mùi đất ải chen cùng cỏ tươi


Cánh đồng xanh lúa, biếc khoai
Bàn chân toẽ ngón, tay chai cần cù
Quê nghèo chẳng thiếu lời ru
La đà cành trúc gió thu dịu dàng

Đò ơi! Đò có sang ngang?
Cho tôi về gốc đa làng bên sông...
H.A.T

Xa quê nghe hát ru con


Trần Thế Lợi
(ĐT: 0913580030)
Ầu ơ... em hát ru con
Lòng anh một thoáng bồn chồn, xôn xao.
Câu ca tự một thủa nào,
Ba chìm bảy nổi đi vào tương lai.

Cái kiến mày kiện củ khoai
Được thua chẳng biết leo hoài cành đa...
Bao đời một nỗi xót xa,
Vì sao kiến phải leo ra, leo vào?

Ngủ đi con ngủ ngoan nào,
Lời ca này sẽ theo vào đời con.
Đói lòng ăn trái bòn bon...
Lắng nghe lời hát ru con anh buồn.

Ai đi muôn vạn nẻo đường,
Quên lời ca ấy yêu thương, dặn dò?
Dòng sông, bến nước, con đò,
Quê hương ta đó bây giờ ra sao?

Những đời vất vả cần lao,
Nghe câu hát cứ ngọt ngào mà thương.
Ai về nơi ấy quê hương?
Nhắn hộ góc phố, con đường, hàng cây...

Lời ru đất mẹ còn đây,
Mà ta xa vắng tuyết mây xứ người.
Ai đi muôn nẻo xa vời,
Có còn thương nhớ đất trời quê ta?

Ai mang hương vị quê nhà,
Đem đi đổi lấy tuyết hoa xứ người?
Ru con em hát à ời
Đem nhau trở lại khoảng trời yêu thương...
T.T.L
(C.H Séc)