Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

BÀI VIẾT VỀ TRỰC

Đào Tấn Trực – Hơi thở “lục bát” nông thôn
Ngô Phan Lưu

Tết Nguyên Tiêu vừa rồi, nhà thơ Đào Tấn Trực sinh ra và lớn lên từ nông thôn Phú Yên, được trao giải nhất Cuộc thi Thơ do Hội LH / VHNT tỉnh Phú Yên & Hội Cựu học sinh Trường TH Nguyễn Huệ tổ chức tại chân Tháp Nhạn nhân ngày Thơ Việt Nam với bài thơ VỌNG LÀNG. Bài thơ đoạt giải này, lấp lánh những câu Thơ trĩu nặng hình ảnh và tâm tư của nông thôn đã qua, gây xúc động người đọc vì thấm đẫm hơi thở quê nhà: “Có đi về phía con đường/ Mới xa xóm vắng mới thương quê nghèo/ Ngày đi câu hát đi theo/ Thị thành mơ mảnh trăng treo vườn nhà/ Mười bảy tuổi tạm cách xa/ Em toan tính chuyện bước qua lời nguyền/ Đất nồng còn một chút duyên/ Buộc quê với phố, buộc thuyền với sông/ Buộc tôi với luống cải ngồng/ Bãi bồi ai đắp cho đồng phù sa/ Nằm nghe con sóng quê nhà/ Một vùng ký ức khói là là bay/ Trăng nghiêng xuống ngọn tre gầy/ Rạ rơm sương khói nguyện đầy lời ru/ Mẹ giờ đã hóa mùa thu/ Câu ca dao cũ hình như lỡ làng/ Hươ bàn tay gọi đò sang/ Chở tôi về dưới cổng làng ngày xưa…”
Đào Tấn Trực sinh năm 1975, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học sư phạm Huế. Hội viên Hội Liên Hiệp VHNT tỉnh Phú Yên. Có thơ văn đăng nhiều ở các báo địa phương và trung ương, trong các tuyển tập thơ chung. Đã xuất bản tập thơ “THƯƠNG NHỚ DÒNG SÔNG”. Hiện là giáo viên trường THPT Lê Thành Phương huyện Tuy An, Phú Yên. Anh dạy học và sáng tác thơ ngay tại quê hương mình.
Anh có sáng tác văn xuôi khá nhiều, nhưng Thơ vẫn là khả năng nổi trội của anh. Đặc biệt, dòng lục bát được anh sáng tác khá có hồn. Dĩ nhiên những thể loại thơ khác như: Tự do, Ngũ ngôn, Thất ngôn…anh vẫn sáng tác, nhưng không bằng thơ lục bát. Dường như chiếc áo “lục bát” vừa vặn, đẹp và ấm áp đối với anh. Chiếc áo “lục bát” ấy phải ôm lấy một tâm hồn thấm đẫm nông thôn như anh mới chịu tỏa sáng: “Tôi về chân lấm đất nâu/ Trời đem mây xuống hun sâu cánh đồng/ Mắt quê úp mặt vào lòng/ Nghe rơm rạ cũng xót nồng bàn chân/ Bao năm chạm một nỗi mừng/ Về quê thăm quẩn quanh từng ngõ xưa/ Dòng sông cũ bóng nhẹ thưa/ Thương con bìm bịp giữa trưa gọi bầy/ Này bàn chân nhỏ thơ ngây/ Lấm lem bùn đất của ngày xưa tôi/ Nước dừa một ngụm mềm môi/ Ngọt từng thớ đất thành lời quê hương…”
Đào Tấn Trực có lẽ ý thức được điều này và anh đã phát triển nó liên tục. Anh không chạy theo thời thượng “hậu hiện đại” như các nhà thơ trẻ khác, bởi anh biết mình chưa “hiện đại” thì làm sao mà “hậu hiện đại”. Anh biết mình là ai và anh biết chấp nhận mình để phát triển mình.Và chính điều này làm anh khác biệt. Kết quả, anh đã nổi trội vì anh có tài năng phát huy cái khác biệt ấy: “ Em về lục bát đã xa/ Mù sương đổ xuống chiều qua cổng thành/ Câu thơ anh viết chòng chành/ Non tay nên khuất một vành nón nghiêng…” Không, thơ anh không non tay đâu, mặc dù nó chưa già tay. Mà non hay già, đó không phải là vấn đề. Vấn đề là có hồn hay không có hồn. Còn việc “khuất một vành nón nghiêng” đó là do thơ anh có hồn. Nếu không có hồn ắt đã lọt vào vành nón nghiêng rồi. Đừng có tự trách thế. Đó là do tai họa thơ trên trung bình gây ra!
Thơ lục bát của Đào Tấn Trực đã tiến được gần tới sự giản dị. Đó là một nổ lực không ngừng của anh.
Thời hôm nay, thỉnh thoảng có nhiều nhà thơ đã sáng tác nhiều bài quá phức tạp, rối ren, thậm chí còn bí hiểm. Thực sự họ đã xa rời giản dị. Hoặc có thể họ không thèm giản dị. Dù gì đi nữa, giản dị đối với họ quả là khó khăn nên mới ra thế. Thú thật, phải cố gắng đọc, nhưng đọc xong chẳng biết họ viết gì. Lại cũng thỉnh thoảng có nhà thơ giản dị đến mức triệt tiêu chữ nghĩa. Câu thơ chỉ một chữ, hai chữ, thậm chí có giòng không có chữ. Thật cũng mệt vô cùng. Tóm lại, cả hai đều đã bỏ rơi cái giản dị. Họ đã viết quá mau và quá dễ, nên khó đọc và không hiểu được.
Những lời thơ giản dị phụng sự con người, luôn luôn mọi thời đều trân trọng chờ đợi. Quả thật, Đào Tấn Trực đã làm được điều này.
Và, vì cái nhan đề hơi quá “Đào Tấn Trực – Hơi thở “lục bát” nông thôn”, mong rằng hơi thở ấy mạnh hơn nữa, vang xa hơn nữa, ghi dấu ấn hơn nữa, để cái nhan đề ấy được đúng như ý nguyện người viết bài này.

N.P.L

Không có nhận xét nào: