Thứ Tư, 20 tháng 5, 2009

TẢN VĂN CỦA ĐÀO TẤN TRỰC



Cây thị đầu làng
Tuổi thơ tôi gắn với từng kỉ niệm ngọt ngào nơi làng quê.Từ buổi sáng tinh sương đến từng buổi chiều bảng lảng tiếng hoàng hôn, kỉ niệm đều in hình thành những nét rất riêng - ghi dấu ấn của một vùng đất trong tiềm thức, trong sáng và tươi nguyên - mà sau này có đôi lúc giật mình thảng thốt, nó trở thành kí ức dai dẳng theo ta đến suốt một đời.
Những năm đầu thập niên 80 của thế kỉ trước, làng tôi còn nghèo. Ban ngày, cả làng thường đi làm đồng vắng, chỉ còn lại các cụ già và đám con nít tụi tôi. Tuổi thơ chúng tôi thường vây quanh nơi gốc cây thị cụt đọt đầu làng trò chuyện, nô đùa, chơi trò đuổi bắt. Có hôm, tôi và đứa bạn trốn sâu trong một hốc cây nên cả nhóm chẳng đứa nào tìm ra… Bóng cây sừng sững, che bóng mát cả một vùng đất trống, che cả tiếng cười giỡn nô đùa hú hí của tụi tôi; lúc tốt trời, âm thanh đó vang tận vào chân núi trong cánh đồng rồi vọng ngược trở ra như âm vang thần thánh..
Cây thị gắn với tên đất tên làng nhưng cây có tự đời nào không ai biết. Chỉ biết từ những năm đánh Mĩ, nơi đây từng là một trong những địa điểm bí mật của cách mạng, cây đã từng chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của xóm làng. Rồi khi địch phát hiện, chúng đem bom ném xối cả vùng, cũng may bóng cây chỉ bị thương và cụt đọt; vết thương trên thân cổ thụ nhanh lành rồi cây sống cho đến bây giờ. Sau ngày đất nước thống nhất, dân làng về đây đoàn tụ đông đủ, cây dường như cũng trẻ lại và xanh tốt hơn. Gốc cây dễ chín mười người ôm không hết để lộ chùm rễ to bạnh phủ kín cả mặt đất như những con trăn khổng lồ đen trũi. Sang mùa quả chín, hương thơm theo gió bay ngát cả làng. Tôi và đám bạn thường dối mẹ, từ sớm, tranh thủ đi lượm trái thị chín rụng qua đêm. Suốt mùa thị chín, tôi và Nhân là người đứng đầu về số quả và hạt thị nhặt được . Quả thị chín có mùi thơm dễ chịu, hương bay xa, theo gió sang tận bên kia làng.
Gốc thị đầu làng cũng là nơi diễn ra lớp học đầu lòng của lứa tụi tôi. Lúc đó, quê còn nghèo. Chưa có mái trường nên chúng tôi tạm ngồi dưới bóng cây nghe cô giáo dạy hát múa và cầm tay tập cho những nét chữ ê a đầu đời. Đang mùa thị chín, có lúc quả rơi từ trên cao xuống, cô nhặt lên như môt bà tiên thật hiền mà sau này nghe thầy cô kể tôi mới hình dung được điều đó có trong cổ tích. Lẫn trong tiếng gió vi vu, hương thị nồng nàn, tiếng cô trò vọng lại nghe thân thương đầm ấm khó quên.
Cây thị đầu làng còn là nơi tụ họp vui chơi sinh hoạt hay buôn bán với vài đôi quang gánh trong làng. Mặc dù cuộc sống trăm nổi nhọc nhằn nhiều bộn bề lo lắng nhưng bà con xóm làng vẫn vồn vã vui tươi, nhất là những ngày hội làng hay những đêm sáng trăng. Bóng cây uy nghi linh thiêng che chở bảo bọc cho dân làng cả về đời sống tâm linh lẫn cuộc sống thường nhật. Nỗi buồn hay niềm vui được mùa cũng cậy vào bóng cây mà cần cù vượt qua khó nhọc, đi lên.
Thời gian cứ bình lặng trôi đi, tôi lớn dần lên và lớp học vỡ lòng cũng bình yên trôi vào dĩ vãng. Gửi làng quê yêu dấu lại với bạn bè, cô giáo và cả gốc thị đầu làng, tôi đi xa. Không ngờ mỗi lần ra đi lại là mỗi lần xa cách. Cuộc sống tất bật đã làm cho con người quên đi nhiều thứ, trong đó có một phần của quê hương, dần già quê hương đã trở thành kỉ niệm trong tâm thức của mỗi người con ra đi.
Tết vừa rồi, tôi trở về. Bây giờ làng quê đã thay đổi nhiều. Đứng trên con dốc đầu làng nhìn xuống trông xóm nhỏ năm nào như một thị trấn. Chen với từng mái ngói đỏ tươi, nhiều ngôi nhà sang trọng và những làn dây điện dọc ngang như có chút gì hiện đại. Rất mừng cho quê hương đã thay đổi, đi lên theo sự phát triển chung của đất nước. Tôi hối hả tìm về một thời đã lâu nhưng bạn bè một thuở đã đi xa chưa về. Cô giáo cũ năm nào nay đã lớn tuổi, đang chống chọi lại căn bệnh tuổi già với khí lạnh cuối mùa miên man sắp qua và cái nóng ran rát miền trung sắp về. Và em, cô bạn thân nhất của tôi ngày nào bây giờ cũng biền biệt quê chồng mù khơi; nghe đâu lâu rồi cô cũng chưa trở về thăm cha mẹ, bạn bè. Tôi rảo bước sang đầu làng tìm về hướng cây thị năm nào nhưng không thấy bóng cây đâu. Người ta đã chặt nó vì một lí do gì không biết, xây lên một cái cổng làng văn hoá nho nhỏ để bên trên dư ra một khoảng không gian làm xốn xang cả một vùng kí ức tuổi thơ!
Không biết những người sau lứa tụi tôi bước chân qua khỏi cổng làng có còn nhớ về quê hương với những kỉ niệm ngọt ngào như chúng tôi đã từng nhớ hay không.

DTT

Không có nhận xét nào: