Thứ Ba, 12 tháng 8, 2008

DIỄN ĐÀN



GIỮ BỀN CHẤT LIỆU CHO THƠ
Tác
giả tại toà soạn Báo Tuổi Trẻ
Đến với văn chương, nhiều người khởi điểm từ thơ. Có phải vì thơ dễ sáng tác hơn văn xuôi? Không. Dĩ nhiên không phải và cũng khó tìm được câu trả lời thật xác đáng cho vấn đề này. Chúng ta đều biết, văn chương là một môn nghệ thuật. Người sáng tạo nghệ thuật cũng phải dùng nghệ thuật để tạo ra nghệ thuật. Vậy bản thân nghệ thuật là gì, có đáp số rõ ràng không? Trong chừng mực nào đấy, bản thân nghệ thuật không có đáp số. Vậy làm thế nào để có và đánh giá được một bài thơ hay, thật khó.
Nàng thơ dễ gần nhưng không đơn giản như người ta tưởng. Người Việt ai cũng thích thơ, ai cũng có tâm hồn yêu thơ song người làm thơ được không nhiều. Để tìm một tác phẩm hay để đời lại càng ít. Có người bảo, muốn sống được với thơ trước hết người đó phải có tâm hồn, biết trân trọng cái đẹp, biến cái đẹp thành chất tinh tuý ẩn sâu trong từng con chữ, nuôi dưỡng tâm hồn, giữ vững giá trị truyền thống văn hoá của dân tộc. Tôi - người làm thơ chân thành cũng ước mong có được những điều quý hoá đó.
Khởi đầu tôi đến với thơ. Đơn giản chỉ vì muốn viết ra những gì mình cảm nhận. Tưởng thế là xong, ai ngờ thơ có một ma lực, một sức cuốn kì lạ. Sáng tác thơ trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với tôi. Không phải vì nhận được nhuận bút hay cầu danh. Tôi thấy mình ham viết và phải viết vì tác phẩm được đến với bạn đọc, tức là sáng tác của mình đã được hoà vào công chúng, được nhiều người biết đến. Khi thơ đã đăng nhiều, được nhiều người biết, rồi dần dần có các giải thưởng nhỏ nhỏ, được giới thiệu trên các trang báo, thú thực lúc này tôi thấy mình như một ánh sao băng, vụt sáng và sợ mất đi.
Ban đầu tôi chỉ làm thơ cảm xúc theo dòng suy nghĩ mà có người cho đó là loại thơ cấp một. Tôi đồng ý và nhận thấy điều đó cần thiết cho bài thơ. Mặc khác cũng chán sự non nớt, xoay quanh những đề tài quen thuộc và ít nhiều ảnh hưởng đến lối viết, ngôn từ, thi pháp của những người đi trước. Tôi cố tránh nhưng đôi lần cũng bị lặp lại.
Đó là giai đoạn đầu, sau này chính bản thân mình nhận ra thơ không chỉ là thế; bên cạnh sự gần gũi đơn giản, thơ phải là trí tuệ, chắt lọc tinh tuý. Thơ cũng có khả năng chuyển tải đời sống xã hội, văn hoá, tâm hồn con người.
Chính vì ý thức thức về thơ như thế nên trong tôi hình thành hai dòng nghĩ trái ngược nhau. Sợ sáo rỗng, đi theo cái cũ nhưng đổi mới thì đổi thế nào đây . Tôi không cho rằng sáng tác là lặp lại như có người đã từng nói. Trăn trở vấn đề này, tôi cố gắng tìm cách viết mới hơn bằng sự khám phá đa chiều của bản thân. Tôi tư duy bề sâu, lao động thơ nghiêm túc và trách nhiệm hơn, tức là cố sáng tác thơ ở cấp độ hai – thơ ở chiều sâu của trí tuệ.
Không ngờ biên độ và chiều sâu trong sáng tác của tôi giai đoạn này giảm hẳn. Càng đổi mới càng rơi vào bế tắt. Một thời gian dài tôi không viết được gì. Tôi lâm vào tình tạng khát thơ. Tìm đọc nhiều tập thơ của những nhà thơ trẻ đôi lúc thấy mình bị xa lạ hoá và mông lung, cố gắng sống lâu hơn với con chữ nhưng chỉ thấy bão hoà. Có bài thơ cách tân đến nỗi tôi chẳng biết tác giả đó viết gì, tôi sinh ra ngi ngờ khả năng cảm nhận ngôn từ của mình. Bạn đọc bài thơ này rồi cảm nhận thử có giống tôi không! Xin nói thêm tôi hoàn toàn không có ý chê bai. (bỗng một tiếng hát cất lên. Rũ sạch bóng tối/ Bỗng một tiếng nói cất lên.Mịt mùng lối/ Không người dò đường. Bài thơ: Tiếng nói và tiếng hát của tác giả NHHM)?
Đôi lúc tôi thấy mình không có duyên với nàng thơ, định nghỉ làm thơ hẳn và sau đó chuyển sang thể loại khác nhưng trong tâm hồn cứ đau đáu như thiếu một điều gì. Tôi tìm đọc những tác phẩm của những nhà thơ nổi tiếng, kể cả tác phẩm của nhũng người mới tập tành làm thơ vẫn cảm nhận được cái hay, cái chất thơ tuôn chảy không ngừng trong bầu trời cảm xúc. Đơn giản tôi thấy hay vì nó gần với tâm hồn, với hồn vía quê hương dân tộc…Bạn thử đọc những câu thơ như: Chợ chiều Bến Ngự chưa tan/ Ai đi ngược dốc Phủ Cam một mình (Ng Duy), hoặc Tôi mãi là chàng trai nói giọng phù sa/ Thèm ngửi mùi bùn, mùi khói đốt đồng dẫu năm dẫu tháng/ Hạnh phúc giản dị như bát nước chè xanh giữa trưa hè chang nắng/ Tôi viết tiếp thế hệ mình bắt đầu từ trăn trở cha ông. ( Tự khúc – Lê Văn Lâm)… Nếu bạn thấy hay, bạn thử tìm xem chất liệu thơ đó ở đâu. Có phải nó thật gần gũi xung quanh ta và nó là cái cốt lõi, hạt nhân nằm trong lớp vỏ ngôn từ giữ lửa cho bài thơ. Chất liệu đó có thanh lọc cho tâm hồn bạn được trong trẻo hay không. Tôi xin nói trước, những câu thơ tương tự như vậy thật nhiều, nó đã đánh thức, giữ bền và kéo tôi trở lại với nàng thơ một cách không chối từ.
Bây giờ tôi sáng tác đều tay, tác phẩm được in nhiều hơn trước. Chất liệu vẫn là những gì gần gũi quen thuộc bên cuộc sống hằng ngày. Cơ bản là chúng ta biết biến những điều quen thuộc đó thành mới là khả năng của người làm thơ. Theo tôi, thơ là thế. Bản chất thơ không cầu kì xa lạ, có chăng cũng tại con người đưa chúng lên cao quá sức mà thôi.
Tư duy là tự do suy nghĩ trên một phương diện nào đấy thuộc khả năng của mình. Có thể đây là một mắc xích nhỏ trong bộn bề cuộc sồng thơ hôm nay nhưng dù sao đó cũng là suy nghĩ. Suy nghĩ từ một người làm thơ với những gì cho phép trong khả năng của chính mình.

ĐÀO TẤN TRỰC

Không có nhận xét nào: