Thứ Hai, 2 tháng 3, 2009

BÀI CỦA BẠN BÈ

CHÍ PHÈO CÓ PHẢI LÀ CON RƠI CỦA BÁ KIẾN ?
.
Một kiệt tác văn học thường được bạn đọc giải mã theo nhiều cách khác nhau. Sự đa dạng trong cách tiếp nhận là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên sức sống của tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ Nam Cao cũng không muốn truyện ngắn “Chí Phèo” chịu an phận trong một cách hiểu duy nhất. Lâu nay, nhiều người thường cho rằng Bá Kiến và Chí Phèo thuộc hai giai cấp đối kháng nhau: thống trị và bị trị, ngoài quan hệ chủ tớ ra thì không có mối quan hệ nào khác. Tuy nhiên cũng có người cho rằng: Chí Phèo là con rơi của Bá Kiến. Không cần phải về làng Vũ Đại điều tra lai lịch Chí Phèo, chỉ cần bám vào văn bản tác phẩm, ta cũng tìm được ít nhất ba chứng cứ sau để kết luận điều đó.
Một là: Bá Kiến là người háo sắc. Chỉ riêng về vợ đã có “bà cả, bà hai, bà ba, bà tư “. Ngoài ra còn phải kể đến những mối quan hệ lăng nhăng với các phụ nữ khác, như vợ của Binh Chức chẳng hạn. Và biết đâu trong số những người đàn bà đã từng ăn nằm với Bá Kiến có người đã mang thai với hắn. Để tránh dư luận xóm làng, người đó đã mang đứa trẻ sơ sinh ra bỏ lò gạch. Và như thế, một Chí Phèo ra đời.
Hai là: Trong lúc Chí Phèo rạch mặt đòi ăn vạ vì bị Lý Cường đánh thì Bá Kiến về tới nhà và hiểu ra cơ sự. Bá Kiến dìu Chí vào nhà và nói với giọng thân mật: “Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy”. Lâu nay, mọi người hiểu rằng, đó là thủ đoạn “mềm nắn rắn buông” của Bá Kiến. Tức là bịa ra chỗ “bà con ruột rà” để xoa dịu sự phản kháng của Chí Phèo. Nhưng biết đâu mối quan hệ máu mủ đó là sự thật: Chí Phèo và Lý Cường là hai anh em cùng cha khác mẹ (!) .
Thứ ba: Chí Phèo ngày xưa được coi như là người nhà của Bá Kiến và Chí được “quyền thu quyền bổ trong nhà tin cẩn”. Sở dĩ Chí được ưu ái như vậy là vì Bá Kiến cũng có chút tình cảm thầm kín với đứa con rơi vô thừa nhận. Sau khi ở tù về, Chí Phèo được Bá Kiến cho vườn và nhà. Mọi người nghĩ rằng: Bá Kiến cho tiền Chí là để biến anh ta thành tay chân đâm thuê chém mướn cho hắn. Nhưng thật ra, trong cái làng Vũ Đại nhỏ bé này, lâu lâu chỉ được vài vụ là phải dùng đến con dao của Chí Phèo. Món lời không được bao nhiêu mà phải cấp tiền cho Chí Phèo ăn nhậu hơn mười năm trời quả không phải là diệu kế của Bá Kiến. Trong ngần ấy năm chí Phèo không lao động mà vẫn nhận được sự viện trợ về tài chính từ Bá Kiến. Bất đắc dĩ Bá Kiến phải nuôi một thằng con rơi hư hỏng. Nhiều lúc cũng tận dụng tính liều lĩnh của con nhưng cũng không muốn con quá hư hỏng lười biếng để tạo gánh nặng cho mình. Trong đoạn cuối tác phẩm, Bá Kiến nói: “Rồi mà làm ăn chứ cứ báo người ta mãi à?”, “tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ”. Đó là những mong muốn sự thật của Bá Kiến. Nhưng Chí Phèo đã xông tới quá nhanh đến mức Bá Kiến không kịp nói lên sự thật máu mủ. Và cũng là nhờ chưa biết mối quan hệ đó nên hành động của Chí Phèo không được coi là trái với đạo lý.
Ngoài ra, truyện “Chí Phèo” còn có nhiều chi tiết “lấp lửng” khó hiểu nữa. Chẳng hạn, Chí Phèo đi tù vì lý do gì ? Theo lời đồn thì “chí bị người ta giải huyện” là vì tội “lấy trộm tiền trộm thóc nhiều”. Có thể Chí Phèo chỉ bị ở tù vài năm rồi sau khi ra tù đi đâu đó “biệt tăm”, việc đó không liên quan gì tới Bá Kiến. Nhưng tại sao Bá Kiến lại không bào chữa cho đứa con rơi để Chí khỏi bị vào tù ? Có thể Bá Kiến cũng như nhiều người cha khác không muốn sống chung với thằng con trộm cắp hư hỏng. Vào tù, nó sẽ được cải tạo để trở nên tốt hơn. Sự có mặt của Chí Phèo trong nhà sẽ làm đổ vỡ hạnh phúc của gia đình cụ Bá. Nhất là Bá Kiến không muốn chứng kiến mối quan hệ mà ông cho là loạn luân giữa Chí với bà Ba vợ ông. Để Chí Phèo ra đi cũng có nghĩa là xoá đi dấu vết của mối quan hệ bất chính giữa ông và mẹ Chí Phèo. Chí đi tù, Bá Kiến trút được tất cả nỗi lo. Vả lại, theo lời Chí “ở tù sướng quá (…) có cơm để mà ăn” thì việc gì phải lo cho nó.
Có người sẽ băn khoăn đặt câu hỏi: Vậy, liệu Nam Cao có nghĩ tới mối quan hệ cha con giữa Bá Kiến và Chí Phèo không ? Việc đó không quan trọng, bởi tác phẩm văn học là một thực thể tồn tại độc lập. Bạn đọc căn cứ vào bản thân câu chữ trong tác phẩm, có quyền suy luận theo những hướng khác nhau, miễn là có chứng cứ thiết thực. Là một nhà văn tài năng, có lẽ Nam Cao cũng cùng quan điểm sau đây của một nhà lý luận văn học phương Tây : “Một tác phẩm chỉ tồn tại lâu dài khi nó có thể xuất hiện khác hẳn khuôn mặt mà tác giả đã tạo ra cho nó”.
PHẠM NGỌC HIỀN

Không có nhận xét nào: