Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

Ý KIẾN TRAO ĐỔI

Trả lời ông Nguyễn Kiến Thiết

Rất tiếc đọc được bài của ông viết về bài thơ Vọng làng của tác giả Đào Tấn Trực quá muộn dù vậy, tôi không thể không viết. Chắc tác giả đã có lời giải thông theo như yêu cầu của ông. Nhưng tôi xin được trao đổi cùng ông.
Trước hết, ông cho rằng “ với bài “Vọng làng” của tác giả Đào Tấn Trực, có nhiều chỗ tôi chưa thông hiểu”. Xin thưa với ông, cũng không có gì không hiểu, nếu như ta có một trình độ nhất định, bởi thơ là nghệ thuật chứ không phải là ca dao mà phải đại quần chúng cũng hiểu. ( những chỗ không hiểu của ông tôi sẽ giãi mã sau)
Thứ đến, ông cho rằng: “ ý tưởng này là ý hay nên đã có hàng nghìn bài thơ khai thác đề tài này. Điều này dễ gây cho độc giả hiểu lầm là tác giả đạo thơ”.Trời ơi! Sao Bác nói vậy? tình yêu là đề tài muôn thuở mà từ xưa đến nay vẫn cứ được khai thác và được mọi người yêu thích thì sao?. Còn đạo văn thì Bác cố đọc thử trong các bài văn thơ viết về hoài niệm tuổi thơ có câu nào tác giả lấy cắp không? Nói phải có sách, mách phải có chứng Bác ạ. Cái xấu của con người ta là hay áp đặt ý của mình lên người khác đấy.
Thứ ba là “ đến ba câu cuối tác gải đã tự đốt lưới nhà phản đề phần đầu, câu ca dao cũ hình như lỡ làng”. Xin hỏi tác giả câu ca dao cũ là câu gì? Vậy tôi xin hỏi Bác, mẹ ngày xưa ru Bác câu gì? Hay chỉ có câu Công cha như núi Thái Sơn…. mà Bác viết không ạ? Muốn hiểu câu thơ phải đặt nó trong lô gích của tác phẩm. Mười lăm câu thơ mà Bác cho là hay đấy, nó nói được tấm lòng hoài niệm của tác giả đối với quê nhà. Còn hai câu tiếp theo: “ Mẹ già đã hoá mùa thu / Câu ca dao cũ hình như lỡ làng” . Theo tôi hiểu thì mẹ đã đi vào cõi vĩnh hằng ( mẹ hoá mùa thu là vào cõi vĩnh hằng thì người VIệt Nam ai cũng hiểu cả), câu ca dao ngày xưa của mẹ ru đã để lại trong tác giả nỗi nhớ nhung, luyến tiếc. Bởi ai cũng lớn lên từ lời ru của mẹ, hay hiểu theo một cách khác, trở về làng, mẹ già không còn nữa, câu ca dao ngày xưa mẹ ru, mẹ hát, mẹ dặn “hình như lỡ làng” khiến tác giả không những nhớ nhung mà còn có chút ân hận về những điều mình chưa trả hiếu cho mẹ…. chứ không phải như Bác nghĩ “ là ca dao dù có ra đời lâu nhưng không bao giờ cũ. Tác giả khát khao hoài niệm tuổi thơ nơi đồng nội có cha sinh mẹ dưỡng, đầy ắp kỉ niệm êm đềm, bây giờ sao lại lỡ làng” .
Tiếp đến như Bác nói “ Huơ bàn tay gọi đò sang / Chở tôi về dưới cổng làng ngày xưa. Thưa tác giả chắc không lái đò nào có thể chở tác giả ra tận miền Bắc, xa quá tác giả ơi! Xin nhắc nhà thơ, nhà giáo là ở quê ta không hề có cổng làng. Cái cổng làng của tác giả chỉ là hình ảnh của cậu học trò mọt sách viết theo sách giáo khoa xưa.
Ối trời ơi! đến đây, tôi mới thực sự hiểu được trình độ người viết. Trước hết là con người hiểu thơ theo “ Xã hội học dung tục”. Cách hiểu này đã từng làm phiền toái biết bao nhân tài. Mặt khác, làm gì mà Bác nặng lời với tác giả bài thơ như vậy. Bác có thù oán gì với tác giả không? Hay sao mà Bác viết vậy. Thôi, xin thưa với Bác, những chuyện như Bác nói ấy nó nhan nhản trong văn chương, rất tiết là Bác đọc và học ít quá ( Bác có muốn tôi lấy dẫn chứng không, ví như trường hợp Minh Huệ, Chế Lan Viên…Minh Huệ khi viết bài thơ Đêm nay Bác không ngủ không hề gặp Bác, còn Chế Lan Viên viết về Tây Bắc cũng chưa bao giờ đến Tây Bắc). Nhà thơ hơn người thường là vậy Bác ơi. Và nếu vậy thì Bác cũng nên góp ý trên tinh thần xây dựng.May mà ( tôi tin là như vậy) Bác không giữ chức vụ gì về văn học nghệ thuật, nếu như có thì chắc tiêu biết bao người.Bài thơ trên đã để lại trong tôi một ấn tượng mạnh và đẹp chưa bao giờ có về chủ đề hoài niệm, vì vậy, mà sau khi đọc bài thơ trên, tôi đã cảm xúc viết nhiều bài thơ cũng về chủ đề ấy. Nhân đây cũng nói luôn với Bác, theo tôi, do ở Phú Yên, hay nói chính xác quê tác giả nếu không có cỗng làng thì bài thơ càng hay nữa, vì thơ nó đâu chỉ dành cho riêng ai. Người miền Bắc đọc bài thơ Vọng làng họ yêu mến biết bao, họ thấy trong đó có họ, và vì thế mà bài sẽ sống mãi năm tháng. Tôi tin chắc như vậy. Không tin Bác cứ sống mà coi.
Cuối cùng như Bác nói “ Sau khi nghe đài thông báo bài thơ “Vọng làng” đăng quang Thơ Trạng 2008 quê nhà, nhiều thi hữu gặp tôi chỉ biết lắc đầu nói nhỏ: “bài thơ mà nhất thơ 2008 thì vô tình hạ thấp ( chưa đến nỗi hạ nhục) vùng thơ đất Phú”
Bác ạ, người ta thường có câu, muốn biết người hãy xem bạn anh ta. Theo tôi thì “thi hữu” mà Bác nói ấy thì tâm địa cũng như Bác vậy thôi.
Nguyễn Du đã từng nói : “ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Mong rằng cách góp ý, xây dựng cũng từ chữ tâm mà cụ Nguyễn hằng tâm nguyện.

Bùi Văn Thành
( Phòng Giáo dục và Đào tạo Tuy An )

Không có nhận xét nào: