Thứ Hai, 16 tháng 3, 2009

Ý KIẾN TRAO ĐỔI

THƯ "CÁO ỐM" CỦA ÔNG NGUYỄN KIẾN THIẾT
Người gửi: Nguyễn Kiến Thiết (Cán bộ hưu trí, hiện ở KP 3Ninh Tịnh, P.9, TP Tuy Hoà)
Tuy Hoà 22.02.2009

Thưa thầy Phạm Ngọc Hiền
Sau khi đọc bài “Chất thơ trong một cuộc thơ” trên Báo phú Yên, vì có liên quan đến bài “Vọng làng’ của tác giả Đào Tấn Trực, nên tôi có ý kiến giải bày sau đây:
- Ngày 09/02/2009, tôi có thư nhờ cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh chuyển đến tác giả để xin được giải thông mấy điều tôi chưa rõ. Đến nay tôi chưa nhận được phúc thư, nhưng may mắn đã có thầy giúp tác giả làm việc này với hình thức một bài phê bình thơ. Dù có u tối đến mấy tôi vẫn biết được dụng ý của bài báo là mượn chuyện phê bình tuyển tập thơ để bào chữa hộ cho đàn em.
Bài thơ đâu phải là bản tuyên dương mà chỉ đơn thuần nói về cái hay cái đẹp, không một lời đề cập đến những điểm còn hạn chế. Không lẽ tuyển tập thơ này quá hoàn thiện ? Là một tiến sỹ văn học chuyên về phê bình thơ văn mà không phát hiện những “ổ gà” trong các bài thơ đạt giải sao? Vậy mà, một số bạn thơ nghiệp dư lại có ý kiến rất xác đáng; đơn cử:
- Bài thơ “Gồng gánh” của Hà Kiều My thật hay. Giữa bài xen vào câu “ Những đứa con điện về, xin tiền, đi học” sau câu thơ vừa hay vừa đủ ý “Con chữ hôm qua lại cựa mình trong giấc mơ của mẹ”. Thêm vào một câu vừa thừa ý, vừa thiếu chất thơ làm cho bài thơ giảm giá, khác gì hạt sạn trong bát cơm thơm phức gạo Nàng Hương.
Trong thơ tôi gửi cho thầy Đào Tấn Trực, tôi vẫn có lời khen 15 câu đầu, chỉ thắc mắc mấy câu cuối, đặc biệt là câu: “Câu ca dao cũ hình như lỡ làng” đi sau câu “Mẹ giờ đã hoá mùa thu”. Theo thầy Hiền thì “Mẹ già đã hoá mùa thu” tức là đi vào cõi vĩnh hằng (chết). Hoá mùa thu mà giải nghĩa là chết thì khó thuyết phục. Mùa thu, mùa thay lá nên cây úa lá vàng, mẹ hoá mùa thu tức là già nua theo tuổi tác (3/4 cuộc đời, cuối mùa đông mới cuối đời) nên tóc bạc, da mồi chứ không hề chết. Nhưng nếu tạm chấp nhận hoá mùa thu là chết, như vậy người mẹ của tác giả đã chết. Chết vì thiếu sự phụng dưỡng của đứa con trai đang ở gần quê nhà “Nằm nghe con sóng quê nhà” mà không về. Chiến tranh đã lùi xa. Nông thôn ngày càng thay da đổi thịt mà người ra đi vẫn không về để cùng đồng bào xây dựng nông thôn mới, để gần gũi phụng dưỡng mẹ già, báo hiếu theo truyền thống tốt đẹp của người dân Việt. Tội bất hiếu ấy khó tha thứ!
Những ý kiến trình bày trên đây không ngoài mục đích góp phần xây dựng phong trào sáng tác thơ văn tỉnh nhà. Là một người yêu chuộng thơ văn, tôi rất kính phục và ngưỡng mộ thầy Hiền và cô Trang. Các thầy cô là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, chịu khó vươn lên.
Tôi xin chúc thầy Đào Tấn Trực; rất mong thầy phát huy khả năng sẵn có để cống hiến cho xã hội nhiều tác phẩm văn học có giá trị.
Cuối cùng, xin được chấm dứt cuộc trao đổi bổ ích này để cùng nhau bắt tay vào nhiệm vụ mới - Nhiệm vụ phát triển văn học tỉnh nhà trong thời kỳ mới./.
Bản sao kính gửi: Kính thư- Hội Liên hiệp VHNT tỉnh PY
BáoPhúYên

“Kính tường trình”
Nguyễn Kiến Thiết
M M Tâm đánh máy theo nguyên bản)

Không có nhận xét nào: