Thứ Hai, 16 tháng 3, 2009

Ý KIẾN TRAO ĐỔI

Thưa Quý người đọc! Trong mục Có người muốn xin "góp ý", nghesisonson có bost thư ông Nguyễn Kiến Thiết có ý kiến về bài thơ "Vọng làng" của Đào Tấn Trực (giải I thơ Phú Yên 2008). Thể theo nguyện vọng "xin góp ý" của ông NKT, nhà thơ Phùng Hi có bài trao đổi sau đây. Xin thưa trước, đây chỉ là một cuộc trao đổi-tranh luận ôn hoà và thẳng thắn về văn nghệ, ngoài ra không có mục đích gì khác.

TRAO ĐỔI VỚI ÔNG NGUYỄN KIẾN THIẾT VỀ BÀI THƠ “VỌNG LÀNG”
Phùng Hi
Mọi mặt của đời sống đều cần một sự phản biện (The analysis of action ), văn học nghệ thuật tất không nằm ngoài qui luật đó. Xây dựng một xã hội phản biện (Reactionary social action) luôn là yêu cầu bức thiết đặt ra với cộng đồng, xưa và nay.
Ông Nguyễn Kiến Thiết (NKT) không đồng ý với Hội Văn học - Nghệ thuật Phú Yên trao giải nhất cho bài thơ “Vọng làng” của tác giả Đào Tấn Trực, qua đó ông chỉ ra trong bài thơ có nhiều chỗ ông không vừa ý. Trước tiên bạn thơ tỉnh nhà xin cảm ơn ý kiến của ông, sau xin phép ông cho tôi được trao đổi đôi điều:
1. NKT cho rằng “Vọng làng” không xứng đáng giải nhất cuộc thi thơ năm 2008 do Hội cựu học sinh Phú Yên kết hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tổ chức. Vâng! Không ai ngăn cản sự phản biện của cá nhân ông. Nhưng để thuyết phục chí ít ông phải chỉ ra đôi bài thơ, đôi câu thơ ông cho là hay hơn “Vọng làng”, trên cùng chủ đề: Quê hương - Mẹ - Kí ức. Đằng này ông viết khơi khơi: “Ý tưởng này là ý hay nên đã có hàng ngàn bài thơ khai thác đề tài này. Điều này dễ gây cho độc giả sự hiểu lầm là tác giả đạo thơ”. Vu vơ hết chỗ nói. Xin ông đọc kỹ bài tổng kết về cuộc thi thơ của Chủ tịch hội Đào Minh Hiệp, để nắm rõ tiêu chí chấm thơ của Hội đồng giám khảo.
2. Có vẻ ông NKT chưa có kinh nghiệm phản biện và cũng chưa đủ “năng lượng chữ” nên không định hình được ý kiến của mình, hay còn gọi là lực bất tòng tâm. Ông bảo tác giả Đào Tấn Trực “tự đốt lưới nhà”. Hết bài viết, không thấy ông lí giải cái thuật ngữ bóng đá này, ám chỉ chỗ nào trong “Vọng làng”. Ông khẳng định câu ca dao cũ mà tác giả nhắc đến, chính là câu: “Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Độc giả hãy xem NKT trích ca dao của dân tộc ta như vậy đấy, có mấy lỗi chính tả nhỉ? Xin ông đến thư viện mượn “Ca dao, tục ngữ” về đọc để làm vốn, chứ nhớ mỗi câu trên rồi qui cho tác giả quên công ơn sinh thành của cha mẹ, qua hai câu thơ rất nhân văn và đầy chất thơ của “Vọng làng”: “Mẹ giờ đã hóa mùa thu / Câu ca dao cũ hình như lỡ làng”, thì buồn cười thật đấy. Kết cho ông cái tội ưa qui chụp kẻ khác chắc là không ngoa tí nào. Ông còn nói: “…ca dao dù có ra đời lâu nhưng không bao giờ cũ”. Vâng, đó là ý kiến của ông. Tôi chỉ xin ví dụ: Tôi yêu một cô bạn xinh đẹp, được một năm thì chia tay. Tôi bảo: “Đó là người yêu cũ của tôi, tình cũ của tôi”. Trên thực tế cô ấy vẫn xinh đẹp như ngày nào, có cũ chút nào đâu, chỉ là cũ đối với tôi thôi. Đào Tấn Trực viết: “Câu ca dao cũ hình như lỡ làng”, đó là cách nói thơ, cách nói hình tượng. Ông có làm thơ, dù chưa hay, nhưng thủ pháp tối thiểu vậy, thiết tưởng không cần phải thêm.
3. Tác giả Đào Tấn Trực kết thúc bài thơ bằng hai câu lục bát nhiều hoài niệm thưở thiếu thời: “Hươ bàn tay gọi đò sang / Chở tôi về dưới cổng làng ngày xưa …”. NKT bảo: “… quê ta không hề có cổng làng. Cái cổng làng của tác giả chỉ là hình ảnh của cậu học trò mọt sách viết theo sách giáo khoa xưa”. Trước hết xin ông nhớ rằng bất kì người Việt nào, trong Nam ngoài Bắc kể cả Việt kiều, trong tiềm thức đều ghi dấu cái cổng làng. Chẳng lẽ trong ông quên mất cổng làng, quên mất nguồn cội? Một thời đi mở nước của cha anh, ông cũng quên tuốt rồi sao? Chẳng lẽ nhà văn, nhà thơ sống ở nơi không có “cây đa sân đình” thì khi viết, không được nhắc đến “cây đa sân đình”? Chưa hết, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng thôn văn hóa, khu phố văn hóa; đi vào làng qua cái cổng ghi: “THÔN VĂN HÓA …”, đấy không phải cổng làng ư? Ông bảo tác giả “viết theo sách giáo khoa xưa”. Chết, chết, sách giáo khoa nay thì không có cổng làng à? Nguy hiểm quá.
Xin trao đổi với ông đôi điều như vậy. Mong ông và bạn đọc bình tĩnh suy xét trước sau để có những nhận định thấu tình đạt lí.

Đ.C: Nguyễn Phi Hùng, GV trường THPT Trần Quốc Tuấn.
Huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. ĐT: 0905612284. Email:phunghi2@gmail.com
Trích dẫn (0)

Không có nhận xét nào: