Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2008

MỘT THỜI ÁO TRẮNG


Nhà thơ – Nhà báo LÊ THIẾU NHƠN: ÁO TRẮNG THỜI XE ĐẠP


Nhà thơ – nhà báo Lê Thiếu Nhơn là người đoạt giải nhất cuộc thi Thơ 7 Chữ trên Áo Trắng năm 1996. Hơn 10 năm qua, anh đã in bốn tập thơ và ba tập văn xuôi. Một buổi chiều Sài Gòn đầu tháng 7, AT đã trò chuyện với anh về một thời chưa xa
@ Áo Trắng vừa tái ngộ bạn đọc, anh biết chứ?

- Đối với tôi, sự trở lại của Áo Trắng sau hai năm vắng bóng, phải gọi là sự kiện thì đúng hơn. Chẳng giấu gì, tôi đã hồi hộp chờ đón sự hồi sinh ấy, và đã tự bỏ tiền túi mua 4 số Áo Trắng bộ mới rồi.

@ Vì sao anh đã đi qua thời áo trắng, mà vẫn còn cảm giác đó?

- Nói cho sòng phẳng, thế hệ cầm bút U…30 của chúng tôi hầu hết đều được ươm mầm từ Áo Trắng. Đến bây giờ tôi vẫn biết ơn Áo Trắng đã cho tôi món quà văn chương đầu đời.

@ Cụ thể là gì nhỉ?


- Một chiếc xe đạp! Phần thưởng giải nhất Thơ 7 Chữ không chỉ có giá trị tinh thần, mà còn giúp tôi có phương tiện đi lại. Cuối năm tôi học lớp 12, Áo Trắng công bố tôi được giải nhất, nên tôi không phải mang chiếc xe đạp từ Phú Yên vào Sài Gòn. Tôi đến cửa hàng Matin 107 để nhận một chiếc xe đạp và bắt đầu vừa đến giảng đường vừa tập tành viết báo.

@ Tác nghiệp báo chí bằng xe đạp ư?

- Dĩ nhiên, tôi đạp xe đi tìm “săn lùng” đề tài viết báo. Tôi còn nhớ, tác phẩm báo chí đầu tiên của tôi là một cái tin vắn in trên báo Tuổi Trẻ được trả nhuận bút 30 ngàn đồng!

@ Chiếc xe đạp đó hiện nay ở đâu?

- À, đó là một chiếc xe đạp may mắn đấy nhé! Tôi lọc cọc đạp xe đi viết báo khoảng một năm thì mua được xe máy. Tôi tặng chiếc xe đạp cho một người bạn, khoảng gần hai năm sau, người bạn ấy cũng mua được xe máy, lại tặng cho một sinh viên khác nữa…Cứ thế, chiếc xe đạp chuyền qua bốn chàng sinh viên khoa Báo chí, và ai cũng ăn nên làm ra. Tuy nhiên , đến người thứ năm sử dụng thì chiếc xe đạp bị mất trộm. Chắc kẻ trộm biết đó là chiếc xe phát tài nên quyết tâm lấy cắp chăng!?

@ Hỏi thật, chiếc xe đạp phần thưởng Áo Trắng có khiến anh làm thơ hay hơn không?

- Có chứ! Năm đầu tiên làm sinh viên xa nhà, mỗi tối rất buồn, tôi đạp xe lòng vòng và làm thơ. Tập thơ đầu tiên “Bài ca phía mặt trời” (NXB Trẻ 1997) toàn là những bài thơ viết trên xe đạp!

@ Nhìn lại bài thơ “Nội hay Nậu” đoạt giải nhất Thơ 7 Chữ, anh cảm thấy thế nào?

- Tuy hơi vụng về, nhưng rất chân thành. Mỗi khi đọc lại bài thơ này, tôi vẫn thấy rưng rưng cảm xúc dành cho ông bà nội đã mất của mình!

@ Sau các tập thơ “Dốc gió”, “Phố tình riêng” và “Trong bóng người xưa”, cách viết của anh đã già dặn hơn nhiều. Anh nghĩ gì về khái niệm “thơ Áo Trắng”?

- Quan niệm riêng tôi, “thơ Áo Trắng” là một thuật ngữ về dòng văn chương tươi mới và trong trẻo. Các nhà thơ tạm gọi chuyên nghiệp viết thơ về lứa tuổi áo trắng rất khó hay, vì không phải ai cũng bảo tồn được khả năng nâng niu những vẻ đẹp cực kỳ mong manh giữa xô bồ áo cơm và danh lợi!

@ Bản thân anh còn làm thơ về thời Áo Trắng nữa không?

- Áo tôi đã lấm lem chút ít bụi đời, nên lâu lâu mới tìm được cảm hứng viết thơ về lứa tuổi đẹp nhất đời người. Do đó, tôi thấy nể các anh Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức…vì tuổi đời họ gấp nhiều lần tôi mà vẫn thường xuyên viết cho tuổi Áo Trắng!

@ Anh có cảm giác các cây bút đồng trang lứa với anh rơi rụng dần dần?

- Càng ngày tôi càng thấy con đường văn chương rất nhọc nhằn. Bạn bè tôi không ít người bỏ cuộc vì họ tìm thấy những mục đích sống rõ ràng hơn, dễ nắm bắt hơn. Trong thời hội nhập và tăng trưởng kinh tế, những người đam mê văn chương sẽ còn là thiểu số mơ mộng. Tôi không buồn cũng không trách giận ai cả, tôi tin dù thế nào thì sự lãng mạn cũng không biến mất trên cuộc đời này!

@ Sân chơi “Bàn tròn văn chương” do Ban công tác Nhà văn trẻ - Hội nhà văn VN khởi xướng, nay đã giao cho anh chủ trì phía Nam. Anh sẽ góp sức tạo sân chơi này như thế nào trong tương lai gần?

- Đáng lẽ “Bàn tròn văn chương” phải do nhà văn Phan Thị Vàng Anh và nhà thơ Inrasara tổ chức, nhưng hai vị ấy bận rộn quá nên đẩy cho tôi làm. “Bàn Tròn Văn Chương” đã tổ chức được 8 kỳ rồi, không chỉ tại TPHCM mà thực hiện tại Bình Dương cũng khá thú vị. Tôi dự kiến sẽ phối hợp cùng Áo Trắng mang “Bàn tròn văn chương” đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nữa.

@ Sinh năm 1978, anh thuộc thế hệ @, vậy anh có chú ý đến văn chương trên mạng, và bản thân đã tham gia gì?

- “Bàn tròn văn chương” đã từng tọa đàm về văn chương mạng đấy chứ! Tôi thấy đó là một thế giới cực kỳ nhộn nhịp, mà mỗi blogger hoàn toàn có khả năng trở thành một tác giả thực thụ. Cá nhân tôi cũng làm một cái blog và viết về các cây bút 7X, 8X như Nguyễn Thị Châu Giang, Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần…qua hình thức “thơ chân dung”. Nếu bạn đọc Áo Trắng quan tâm thì có thể truy cập
http://360.yahoo.com/lethieunhon để đọc cho vui!

@ Văn chương cũng như nghệ thuật, phải có sự truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác, anh chú ý các cây bút trên Áo Trắng ra sao, cũng như muốn giúp ích gì cho họ?

- Chẳng nịnh nọt đâu, tôi nghĩ phải có tình yêu rất lớn dành cho giới trẻ mới có thể làm một tập san như Áo Trắng. Tôi chưa có điều kiện để làm một công việc đầy ý nghĩa như nhóm thực hiện Áo Trắng, tuy nhiên tôi vẫn lấy sự phát hiện một cây bút mới nào đó làm niềm vui của mình. Gần đây tôi rất cảm tình với những cái tên mới xuất hiện trên Áo Trắng như Đào Tấn Trực, Nguyễn Hữu Hôn, Phan Danh Hiếu, Lê Thùy Vân…

@ Anh cũng đang làm báo ( Trưởng ba
n Thư ký tòa soạn Tạp chí Kiến Thức Gia Đình), anh có góp ý gì cho Áo Trắng?
- Góp ý thì không, vì những chuyên mục hiện có trên Áo Trắng đã rất sinh động. Thế nhưng, tôi tha thiết mong mỏi Áo Trắng mạnh dạn hơn nữa trong việc giới thiệu các cây bút trẻ. Đây là một sân chơi trẻ, tại sao những cây bút trẻ chỉ có thể xuất hiện với một bài thơ hoặc một truyện ngắn, mà không in hẳn cho họ một chùm thơ hoặc chùm truyện ngắn?

@ Xin cảm ơn cuộc trò chuyện cởi mở và thẳng thắn của anh!

Trần Hoàng Nhân (thực hiện)
Áo Trắng số 5, ra ngày 15-7-2007

Không có nhận xét nào: