Thứ Tư, 1 tháng 10, 2008

TRUYÊN CỦA NGUYỄN ĐẶNG TƯỜNG VI



NGUYỄN ĐẶNG TƯỜNG VI ĐANG LÀ HỌC SINH LỚP
11A3, THPT Ngô Gia Tự, TP Tuy Hòa, Phú Yên)
Số điện thoại: 057559386. DÙ HỌC BAN A NHƯNG VỈ TẤT THÍCH VĂN CHƯƠNG VÀ CÓ VIẾT VĂN. LÀ THÀNH VIÊN CỦA GĐAT PHÚ YÊN, GẦN ĐÂY TÁC PHẨM CỦA VI CÓ ĐĂNG RẢI RÁC TRÊN CÁC TỜ BÁO. ĐÀO TẤN TẤN TRỰC GIỚI THIỆU SÁNG TÁC MỚI NHẤT CỦA EM.


VÀ RỒI TÔI LỚN
Tôi quen anh năm tôi mười sáu. Mười sáu, tôi mê mẩn đuổi theo ước mơ nhà báo. Mười sáu, anh đến với tôi khi mà mơ ước cồn cào trong tim – ước mơ khiến trái tim tôi gần như khô đét lại với những nỗ lực, những bận rộn trước tuổi.
Năm ấy, anh mười tám, học lớp Mười hai, và đang trong những ngày tháng ráo riết chạy đua với thời gian và guồng quay cuộc sống. Tôi thì chỉ đang marathon từng chặng trên con đường thực hiện ước mơ. Anh bận rộn, thâm trầm, sâu sắc. Tôi lại hời hợt, cười nhiều, nói nhiều, nhưng chẳng bao giờ vui được như anh. Anh ít cười, nhưng nụ cười của anh thoải mái, còn tôi, cười nhiều, nhưng nụ cười chẳng bao giờ là thực sự, nụ cười mà theo anh là của đứa trẻ hư, nụ cười mệt mỏi, già nua.
Anh cũng như tôi, cũng có một mơ ước mãnh liệt với văn thơ. Nhưng anh đam mê theo cách của anh, tôi đam mê theo cách của tôi. Tôi viết báo từ năm tám tuổi, đến năm mười sáu, tôi đã gắn bó với văn chương được tám năm. Tôi liên tục viết, liên tục gửi bài, liên tục học hỏi. Còn anh, anh ước mơ âm thầm, lặng lẽ hơn. Anh gặm nhấm đam mê bằng tiểu thuyết, bằng thứ tôi hay gọi là “văn của người ta” – thứ văn không thoả được đam mê của con nhỏ như tôi. Tôi chê anh không nhiệt thành, không mạnh mẽ, chê anh thiếu đàn ông.
Tôi cãi ba má, thi vào lớp chuyên văn của một trường chuyên trong tỉnh, mặc dù tôi học tự nhiên không phải là tệ. Và tôi đậu thủ khoa. Anh lại là học sinh giỏi của lớp chuyên toán. Tôi hay hỏi bâng quơ, mà dường như là cạnh khoé anh: “Anh học giỏi nhờ cái gì vậy anh?”.
Điểm khác nhau giữa anh và tôi không chỉ dừng lại ở đó. Điều khác nhau, mà theo tôi là to lớn nhất, đó là: Tôi là con gái một gia đình công chức có hai con, còn anh là đích tôn một giám đốc hãng bia lớn trong tỉnh.
Cuối năm lớp mười, tôi theo gia đình sang Anh sống. Ba chuyển công tác sang Anh năm năm. Thế là tôi phải xa Việt Nam đến những năm năm, xa những áng văn mặn mà hương quê, xa cánh đồng cò bay thẳng cánh, xa dòng sông Ba quanh năm hiền hoà uốn lượn, xa mái nhà thoáng mát với gốc dừa duy nhất còn lại trong xóm, xa căn phòng ấm áp toàn màu tím nhạt, không bao giờ thiếu tiếng nhạc, những bản nhạc Moda bất hủ. Và xa cả anh.
Luân Đôn với những căn biệt thự mang dáng vẻ cổ điển, những con đường rộng thênh thang, những con người bận rộn, và cả những mùa đông lạnh đến buốt lòng dần cuốn tôi vào nhịp sống xoay trở. Tôi dần có bạn mới, dần làm quen với xứ người này, và dần quên Việt Nam.
Tôi không viết được nữa. Không biết lí do tại sao, văn trong tôi dường như bế tắc, như ứ nghẹn. Tôi bực dọc. Tôi đi tìm văn. Tôi lang thang hết mọi ngóc ngách Luân Đôn, chiêm qua hết mọi kiếp người. Nhưng tôi vẫn không tìm được văn.
Tôi phát hiện giọng thằng em lơ lớ, nó nói với tôi mà toàn gọi “you”. Lần đầu tiên trong đời, tôi đánh nó, đánh đến cả chục roi. Nếu má không chạy vào, chắc tôi còn đánh nó dữ nữa. Má hỏi sao, thằng em mếu máo: “Chị nói con quên gốc gác, nói con quên mẹ…”. Má nhíu mày nhìn tôi, tôi buồn buồn buông roi xuống đất, lấy áo khoác bỏ ra ngoài đi dạo. Lúc đó đang giữa tháng mười một, trời rét căm căm, tuyết phủ trắng đầu, hơi thở đặc quánh. Tôi nghĩ lại mình. Tiếng “nẫu” quê mình giờ tôi cũng phát âm không rõ nữa, nói chi thằng bé mới tám tuổi, nó biết gì đâu mà tôi đánh nó. Sau lần ấy, tôi bỗng lại nhớ quê da diết, nỗi nhớ đã lâu không tồn tại trong lòng tôi nữa, không tồn tại, hay tôi cất đâu đó trong tim. Đêm ấy, trong giấc mơ, tôi mơ hồ thấy ánh mắt ấm áp, chân tình của anh…Tôi lại có thể viết. Tôi mail sáng tác của mình về Việt Nam, những sáng tác đượm nỗi nhớ quê, nhớ phượng vĩ, nhớ tiếng ve, nhớ mưa rào khi hè đến, và nhớ cơn mưa phùn dai dẳng mỗi khi tháng mười hai đậu xuống vai những bông tuyết trắng xoá, nhớ cả người anh với nụ cười hiền, luôn giấu ước mơ vào trăn trở mười hai của anh. Chị tổng biên tập mail lại: “Sao vắng bóng lâu thế hả cô bé? Chị nhớ văn của em lắm đó!”. Rồi tôi mười tám. Đến lúc phải quyết định ngã rẽ cho cuộc đời mình. Và tôi vẫn cố chấp theo nghiệp báo của mình. Tôi đòi về Việt Nam học Nhân văn, nhưng ba không cho. Ba nói, người ta ở Việt Nam sang đây du học, còn tôi, có điều kiện hơn người ta thì lại muốn về Việt Nam. Ba còn nói, tôi vẫn chưa đủ sức tự lo cho mình khi mà khoảng cách với gia đình là cả lục địa. Nghĩ lại, tôi thấy ba nói đúng, nên không đi nữa. Tôi tốt nghiệp ngành văn loại ưu, đòi về Việt Nam làm. Ba khuyên tôi nên ở lại đây, tiếp tục học lên tiến sĩ, rồi về cũng chưa muộn. Nhưng tôi nhất quyết quay về. Lần không về Việt Nam trước kia đối với tôi giống như lỗi hẹn với ai đó mà tôi vô cùng kính trọng, yêu thương. Và lần này, tôi quyết tâm không lỗi hẹn thêm lần nữa. Nhớ Việt Nam. Tôi về Việt Nam. Gia đình tôi đã về quê cách đây một năm. Còn tôi, vì phải học xong chương trình đại học, nên còn nán lại Anh. Một năm ấy với tôi dài còn hơn thế kỉ, tôi thấp thỏm chờ đợi, thấp thỏm mong ngày tốt nghiệp, và trở về.Về Việt Nam sau thời gian dài xa cách, tôi bỗng chơi vơi nơi những thay đổi của miền quê này. Phải rồi, miền ngoại ô nghèo khó này nay đã xe máy vi vu ngoài phố, người mình đâu phải cọc cạch xe đạp nữa đâu. Nhà cao tầng thi nhau mọc lên, thay vào những mái tranh lụp xụp. Cả những ngôi trường khang trang không bao giờ vắng những bóng áo trắng tinh khôi. Tôi bỗng nhớ món xôi vỉa hè hay ăn vội thời còn đi học, nhớ cảm giác cọc cạch chiếc xe đạp sườn đôi cũ kĩ của mẹ, nhớ những cột rơm thuở bé tôi đâm vào khi tập đi xe đạp. Nhưng những điều ấy giờ còn đâu giữa phố xá đông đúc của thành phố trẻ vừa hội nhập? Tôi cô đơn ngay giữa đất mẹ tôi mong ngóng quay về từng ngày. Có hai trường đại học mời tôi về giảng dạy. Tôi từ chối hết. Tôi xin về làm cho một toà báo địa phương. Ba nghe được, bạt tai tôi một cái thật đau. Lần đầu tiên trong đời, ba đánh tôi. Từ trước đến nay, dù tôi có ngỗ nghịch ra sao, ba cũng tôn trọng ý kiến của tôi. Lần đầu, ba đánh tôi vì môït việc tôi làm sai. Tôi biết rõ ràng, tôi đã sai, nhưng tôi không thể từ bỏ ước mơ của tôi được. Chắc là tôi ích kỉ. Ba bảo tôi suy nghĩ kĩ đi rồi quyết định, ba bảo tôi vẫn còn cơ hội. Tôi cười khẩy: “Cơ hội gì hả ba? Cơ hội mà con đi tìm đến từ lâu rồi!”. Ba vung tay lên định bạt tai tôi một cái nữa. Nhưng ba không làm. Ba bảo tôi đi ra ngoài.Tôi buồn, tìm gặp anh. Giờ, chắc anh đang là nhà báo cho một toà soạn nào đó, hay là giáo viên dạy văn cho một trường cấp Ba, đó vẫn luôn là mơ ước của anh mà. Tôi vẫn hẹn anh ở quán càphê nhỏ góc thư viện, nơi những người yêu văn thơ và sự bình yên thường tìm đến. Anh cao lớn, vững chãi, già dặn hơn xưa nhiều. Anh mặc vet đen, đeo cà-ra-vat, đi giày da. Trông anh quá đĩnh đạc so với sự thoải mái nơi này. Anh gọi càphê đen, thói quen ấy vẫn chưa hề thay đổi. Tôi còn nhớ, anh từng nói: “Càphê đen đắng như cuộc đời, nhưng nếu người nào đã uống quen, thì sẽ nghiện vị đắng ấy!”. Và anh nghiện thật. Tôi hỏi anh hiện đang làm gì. Anh nói anh đang làm giám đốc hãng bia trước kia của ba anh. Sực nhớ lại, hình như người anh thoang thoảng mùi bia, mặc dù, bộ vét anh đang mặc rất phẳng phiu, chỉnh tề.
Tôi thoáng thất vọng. Nhưng chỉ một thoáng. Tôi đi tìm cái gì cơ chứ? Có thất vọng, thì rồi cũng vậy thôi! Tôi biết. Anh không bao giờ dám thoải mái ước mơ, vì anh còn có gia đình. Cuộc sống bây giờ của anh cũng vì gia đình. Anh là con người trách nhiệm. Anh đàn ông, anh mạnh mẽ hơn bất cứ ai. Điều tôi biết, nhưng tôi không chấp nhận. - Còn ước mơ của anh thì sao hả anh?- Có phải bao giờ người ta cũng lớn lên nhờ ước mơ đâu em?Khi nói câu ấy, anh nhìn ra ngoài cửa sổ. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy anh không nhìn thẳng vào mắt ai đó khi nói. Và đó cũng là lần duy nhất…Đêm ấy, mùi bia thoang thoảng từ bộ quần áo của anh phả vào giấc mơ tôi.
NĐTV

Không có nhận xét nào: